Không gian đô thị mở rộng và cơ hội tái định vị của doanh nghiệp TPHCM
Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM mới xem sáp nhập 3 tỉnh thành là cơ hội để tái định vị, mở rộng đầu tư và tiếp cận khách hàng tiềm năng trong một đô thị đặc biệt phía Nam. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cần lộ trình hợp lý để tránh gây áp lực lên bộ máy hành chính và chi phí doanh nghiệp.
Tận dụng sức mạnh từ lợi thế vùng
TPHCM mới với quy mô dân số gần 14 triệu người và hơn 6.700 km², sáp nhập từ Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, TPHCM cũ đã tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động trong khu vực. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn, chỉ ra khi địa giới hành chính TPHCM được mở rộng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đứng trước ba cơ hội lớn.
Thứ nhất, không gian kinh doanh được mở rộng, kéo theo đầu vào đầu ra đa dạng hơn và mạng lưới nhà cung cấp, đối tác có tính tương đồng cao hơn về vị trí địa lý. Thay vì chỉ kết nối trong phạm vi TPHCM cũ, doanh nghiệp nay có thể dễ dàng giao lưu, hợp tác với các đối tác tại Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, từ đó mở ra nhiều cơ hội thương mại liên vùng.
Thứ hai, việc sáp nhập giúp giải quyết bài toán thiếu quỹ đất vốn tồn tại lâu nay tại TPHCM. Với số lượng khu công nghiệp hiện hữu đang hạn chế quỹ đất, ngay khi mở rộng với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu thì quỹ đất sạch, mới tăng lên, những nơi có dư địa lớn với quy hoạch rõ ràng, thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, sự hợp nhất với Bình Dương, nơi được xem là trung tâm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh, cùng với thế mạnh về cảng biển, logistics và du lịch của Bà Rịa Vũng Tàu sẽ tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, thúc đẩy TPHCM phát triển toàn diện. Đây là cú hích chiến lược giúp hình thành một hệ sinh thái kinh tế năng động, đa ngành và giàu tiềm năng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc công ty Unique Integrations, đánh giá việc sáp nhập vào TPHCM mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp cả về hành chính lẫn thị trường. Về hành chính, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với bộ máy quản lý chuyên nghiệp, các thủ tục được thực hiện nhanh chóng và minh bạch hơn.
Về hạ tầng và thị trường, quá trình sáp nhập giúp gia tăng giá trị bất động sản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư và mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh. Khi trở thành một phần của đô thị lớn, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ thị trường tiêu dùng rộng, hạ tầng đồng bộ và môi trường cạnh tranh năng động, đa dạng hơn.

Hoạt động bên trong một nhà máy sản xuất giày dép tại Bình Dương (cũ). Ảnh: Hoàng An
Là 1 doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực truyền thông và giải trí, bà Ngô Thị Thanh Mai, Tổng Giám đốc của công ty Minasu, đánh giá việc chuyển đổi hành chính giúp công ty thuận lợi hơn trong kết nối đối tác và tiếp cận các hoạt động tại TPHCM. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi thông tin từ địa chỉ pháp lý đến cập nhật hồ sơ thuế ban đầu còn gặp vướng, đặc biệt với doanh nghiệp còn nhỏ. Một số hợp đồng phải tạm dừng chờ xác minh lại pháp nhân. Việc in lại thông tin bao bì truyền thông, cập nhật hệ thống hóa đơn dù không lớn nhưng cũng khiến công ty phát sinh thêm chi phí và thời gian xử lý.
Chia sẻ với KTSG Online, ông Nguyễn Hoài, Phó Giám đốc công ty TNHH Công nghệ Môi trường Wepar, đồng tình khi địa bàn sáp nhập vào TPHCM mới, thay đổi đầu tiên và rõ ràng nhất mà doanh nghiệp cảm nhận được là ở khâu hành chính và các quy trình vận hành của công ty, khách hàng, đối tác hợp tác có liên quan đến thủ tục và vị trí địa lý.
Ngay sau khi sáp nhập, doanh nghiệp phải cập nhật thông tin trên giấy phép kinh doanh để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời làm việc với cơ quan quản lý mới tại TPHCM. Sự khác biệt về quy trình và đầu mối liên hệ khiến nhiều đơn vị gặp lúng túng ban đầu. Việc hoàn tất thủ tục này dự kiến mất khoảng 15-20 ngày.
Cần lộ trình phù hợp
Để doanh nghiệp thích nghi trong bối cảnh kinh doanh mới và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, hành chính, chuyên gia cho rằng cần một lộ trình phù hợp, tránh tạo gánh nặng lên bộ máy hành chính cũng như thất thoát, thiệt hại cho doanh nghiệp khi chuyển đổi.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, nhấn mạnh trước đây dù áp dụng chung một khung chính sách, mỗi địa phương đều có cơ chế đặc thù riêng để thu hút đầu tư. Vì vậy, khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu vào TPHCM, không ít doanh nghiệp tại khu vực này lo ngại các ưu đãi cũ như giá thuê đất, tiền sử dụng đất sẽ không còn được duy trì. Sự điều tiết chính sách đồng nhất có thể ảnh hưởng đến cam kết dài hạn giữa chính quyền cũ và nhà đầu tư. Do đó, TPHCM mới được kỳ vọng sẽ kế thừa và duy trì các chính sách đã cam kết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự hợp nhất cũng đặt ra thách thức về cạnh tranh. Việc mở rộng địa bàn khiến các doanh nghiệp trong cùng ngành dễ gặp nhau hơn, tạo ra sức ép lớn về chất lượng, giá cả và hiệu quả vận hành. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một vấn đề khác là quá trình thay đổi tên gọi hành chính kéo theo việc điều chỉnh giấy phép kinh doanh, bao bì, nhãn hiệu sản phẩm. Nếu áp dụng đồng loạt sẽ gây áp lực lớn về chi phí, thời gian và nguồn lực cho doanh nghiệp. Việc đồng bộ nên được thực hiện theo lộ trình phù hợp, khoa học, tránh gây lãng phí bao bì, ấn phẩm tồn kho, tài nguyên và tạo áp lực lên bộ máy quản lý nhà nước.
Đại diện từ Wepar chỉ ra, việc sáp nhập khiến nhiều cơ quan như thuế, công thương quá tải khi hàng loạt doanh nghiệp đồng loạt cập nhật thông tin, dẫn đến hệ thống thường xuyên bị gián đoạn, xử lý chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn tất thủ tục và kế hoạch kinh doanh.
Doanh nghiệp cũng phải thay đổi bao bì, nhãn mác, ấn phẩm quảng cáo theo địa chỉ mới, phát sinh chi phí thiết kế, in ấn và tiêu hủy hàng tồn. Với doanh nghiệp sản xuất, việc điều chỉnh dây chuyền để tích hợp bao bì mới gây chậm tiến độ, ảnh hưởng doanh thu. Giai đoạn đầu còn dễ xảy ra sai sót trong giao hàng, xuất hóa đơn do khách hàng chưa quen với thông tin mới. Dự kiến cần từ 3 đến 6 tháng để hoàn tất và đưa mọi hoạt động trở lại ổn định.

Các nhà máy sản xuất chuẩn bị cho hoạt động thay đổi bao bì, nhãn mác, tem sản phẩm để phù hợp với địa giới hành chính mới. Ảnh: Hoàng An
Ông Nguyễn Hào Hiệp, Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ quảng cáo Việt Nam, bộc bạch dù tưởng chừng đơn giản, việc cập nhật thông tin pháp lý sau sáp nhập lại khá tốn thời gian và công sức. Doanh nghiệp phải đồng loạt điều chỉnh từ con dấu, địa chỉ trên hóa đơn điện tử, thông tin trên các hợp đồng thương mại, giấy phép ngành nghề đến hồ sơ bảo hiểm xã hội và tài khoản ngân hàng. Mỗi lần xuất hóa đơn, nhân viên phải kiểm tra kỹ địa chỉ cũ và mới để tránh sai sót.
Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, những thay đổi này có thể làm đình trệ các hợp đồng đang triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán. Với doanh nghiệp sản xuất, việc in lại bao bì, nhãn mác, cập nhật mã QR hóa đơn điện tử trên tem nhãn không chỉ phát sinh thêm chi phí mà còn tiềm ẩn rủi ro tồn kho nếu không kiểm soát tốt, ông Hiệp nói.
Dù còn nhiều thách thức, các chuyên gia nhìn nhận việc hình thành một TPHCM mở rộng sẽ tạo tiền đề cho một đô thị đặc biệt, trung tâm đầu tư, dịch vụ và phát triển kinh tế hàng đầu cả nước.
Doanh nghiệp kỳ vọng giảm bớt thủ tục hành chính, nhất là trong quá trình cập nhật hồ sơ pháp lý như giấy phép kinh doanh, mã số thuế hay địa chỉ. Việc này hiện còn phức tạp, chồng chéo giữa các cơ quan và thiếu đồng bộ dữ liệu, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, nhân lực và chi phí.
Khi thủ tục được đơn giản hóa và minh bạch hơn, môi trường kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hiện hữu vận hành hiệu quả hơn mà còn góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp chia sẻ.