Không thể chủ quan dù xuất khẩu đã vượt 21 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp và môi trường tăng trưởng 3,74%, xuất khẩu vượt 21 tỷ USD, tiếp tục duy trì đà xuất siêu và cải cách hiệu quả.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 21,15 tỷ USD. Ảnh: Việt Anh

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 21,15 tỷ USD. Ảnh: Việt Anh

Ngày 13/5, Bộ NNMT tổ chức Hội nghị giao ban công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và quý II/2025. Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong 4 tháng vừa qua, các lãnh vực như trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đều có bước phát triển khởi sắc.

Theo báo cáo, giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong quý I/2025 đạt mức tăng 3,74%, cao nhất so với cùng kỳ các năm gần đây và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trong kịch bản tăng trưởng quý. Cụ thể, nông nghiệp tăng 3,53%, lâm nghiệp tăng mạnh 6,67%, và thủy sản tăng 3,98%. Tốc độ tăng trưởng ổn định của 3 trụ cột nông, lâm, thủy sản là tiền đề vững chắc để hướng tới mục tiêu tăng trưởng của quý II, 6 tháng và cả năm.

Cùng với tăng trưởng sản xuất, hoạt động xuất khẩu tiếp tục bứt phá. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nông sản đạt 11,6 tỷ USD (tăng 11,7%), lâm sản 5,56 tỷ USD (tăng 11,2%), thủy sản 3,09 tỷ USD (tăng 13,7%), sản phẩm chăn nuôi 178 triệu USD (tăng 16,8%) và đầu vào sản xuất 722 triệu USD (tăng 20%). Ngành tiếp tục duy trì xuất siêu 5,18 tỷ USD, dù giảm nhẹ 4,1% so với cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế (5,02 tỷ USD).

“Nếu duy trì được đà tăng trưởng này và sớm tháo gỡ các vướng mắc về thuế quan với Hoa Kỳ, mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD và tăng trưởng ngành khoảng 4% trong năm nay hoàn toàn khả thi” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ NNMT cũng lưu ý không thể chủ quan, bởi tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cạnh tranh thương mại, xung đột lợi ích, và biến động thị trường. Trong nước cũng nổi lên các vấn đề cấp bách. Trước tiên là những vướng mắc về kiểm dịch khiến xuất khẩu sầu riêng, mặt hàng từng đạt 3,2 tỷ USD năm 2024, đang có dấu hiệu chững lại, hiện mới chỉ đạt 20% kế hoạch năm 2025.

Bên cạnh đó, sâu bệnh và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng diễn biến phức tạp. Thời tiết khô hạn kéo dài khiến nhiều địa phương gặp khó khăn do thiếu nguồn nước tưới, dẫn đến ảnh hưởng sản xuất. Tiến trình sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương cũng tác động đến việc triển khai các nhiệm vụ của ngành, nhất là công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án thủy lợi.

Trước thực tế trên, ông Duy đề nghị các đơn vị trong bộ cần nghiêm túc đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, khó khăn để đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ trong tháng 5, quý II và 6 tháng đầu năm.

“Chúng ta không còn nhiều thời gian. Nếu không quyết tâm và giải pháp mạnh mẽ, sát thực tiễn, sẽ rất khó để hoàn thành chỉ tiêu cả năm, cả nhiệm kỳ” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNMT nhấn mạnh toàn ngành phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn thị trường vụ Hè Thu, xử lý các ảnh hưởng từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Tiếp đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tiến độ các dự án luật, nghị định, thông tư, đặc biệt là xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành Hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước ngày 30/6; tích cực triển khai số hóa các dữ liệu về ngành nông nghiệp và môi trường, tạo lập nền tảng tài nguyên số, hướng tới phát triển nền kinh tế số của ngành.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cần tăng tốc, trong đó tổ chức hội nghị chuyên đề vào cuối tháng 5, trong đó đẩy mạnh việc lấy chỉ tiêu giải ngân là thước đo đánh giá hiệu quả đơn vị.

“Thách thức phía trước rất lớn, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao và hành động quyết liệt, tôi tin tưởng toàn ngành sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

H.Liên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-the-chu-quan-du-xuat-khau-da-vuot-21-ty-usd-10305736.html