Không thể 'lặng im' với chuyển đổi số!

Được UBND thành phố Hà Nội chính thức ra mắt, đưa vào hoạt động từ ngày 28-6, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) nhanh chóng được đông đảo công chức, viên chức và người dân hưởng ứng.

Thông qua kênh tương tác này, người dân, doanh nghiệp có thể phản ánh toàn diện các vấn đề về đời sống dân sinh bức xúc tới các cấp chính quyền để tiếp nhận, giải quyết kịp thời.

Ứng dụng còn cho phép người dân biết tình hình giao thông trên các tuyến phố thông qua hệ thống camera giám sát giao thông để chọn lộ trình di chuyển thuận lợi, tra cứu về các tuyến xe, tra cứu thông tin "phạt nguội", tiếp cận các bản đồ du lịch, di tích lịch sử, văn hóa… Với những tính năng đó, đây thực sự là kênh kết nối nhanh, thuận tiện giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Nhờ đó, chỉ sau khoảng 1 tháng rưỡi vận hành, đã có hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi. Hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức cũng đã cài đặt ứng dụng iHanoi. Những địa phương có nhiều tài khoản sử dụng iHanoi là Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Ba Vì và Mỹ Đức…

Theo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, tính đến ngày 15-8, đã có 3.268 ý kiến, phản ánh của người dân gửi đến các cơ quan chức năng qua iHanoi. 61/61 cơ quan, đơn vị (30 quận, huyện, thị xã và 31 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc) đã tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện trường được người dân gửi đến và hơn 70% trong số đó đã được xử lý, hồi đáp, khiến đa số người dân bày tỏ sự hài lòng… Đây là những thông tin thực sự khiến không chỉ các cơ quan chức năng mà cả người dân mát lòng, mát dạ.

Tuy nhiên, trong một văn bản mới đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng phải đôn đốc, xử lý và phản hồi kiến nghị, phản ánh của người dân qua ứng dụng iHanoi nhanh, kịp thời hơn. Bởi lẽ, qua theo dõi, Văn phòng UBND thành phố cho biết, nhiều phản ánh, kiến nghị trên iHanoi đã quá hạn mà chưa được xử lý. Cụ thể, quận Nam Từ Liêm dẫn đầu về lượng kiến nghị, phản ánh chưa được xử lý, phản hồi (81); tiếp đó là Sóc Sơn (39), Hoàn Kiếm (35), Đông Anh (26)…

Bên cạnh việc chậm xử lý, phản hồi, vẫn còn những kiến nghị chưa được xử lý thỏa đáng, dứt điểm hoặc chưa đạt yêu cầu dẫn đến bị công dân đánh giá ở mức chưa hài lòng. Chắc hẳn những thông tin này khiến nhiều người cảm thấy thất vọng. Đúng là không thể vui khi một số cơ quan chức năng, địa phương vẫn còn tắc trách, chậm chạp trong việc xử lý thông tin hiện trường mà người dân gửi tới. Nhưng, ở một góc độ khác, đây cũng là thông tin đáng mừng.

Mừng, là bởi nhờ iHanoi mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không thể tùy tiện “om” hay “bưng bít” thông tin phản ánh của người dân.

Đặc biệt, với iHanoi, người dân đã có thể cùng các cơ quan chức năng khác theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đó là ưu thế, mặt tích cực mà chuyển đổi số đã và đang đem lại để góp phần cùng nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền cũng như đời sống của người dân. Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ kể trên, rõ ràng, không đơn vị, cá nhân nào có thể “lặng im”, không thực hiện trọn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-the-lang-im-voi-chuyen-doi-so-679697.html