Khủng hoảng nhựa: Cái tôi từ các bên
Vòng đàm phán cuối cùng do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đang diễn ra tại Hàn Quốc với những chia rẽ sâu sắc về nhu cầu ngăn chặn tình trạng tràn ngập vật liệu nhựa.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng nhựa sẽ tăng khoảng 60% lên 736 triệu tấn/năm vào năm 2040, làm tăng đáng kể khối lượng mức độ độc hại của các vật liệu này khi chúng tích tụ trong môi trường tự nhiên và trong cơ thể con người.
Căng thẳng cốt lõi tại Hội nghị liên Chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (Hội nghị INC-5) diễn ra tại Busan (Hàn Quốc) từ ngày 25/11 - 1/12 là liệu có nên đồng ý giới hạn ràng buộc đối với một số loại hóa chất và sản xuất nhựa hay thống nhất về một gói tài trợ nhằm cải thiện việc thu gom và tái chế rác thải. Một liên minh gồm gần 70 quốc gia, trong đó Rwanda, Na Uy và Vương quốc Anh đang thúc đẩy một hiệp ước "tham vọng cao" để quản lý các hóa chất nguy hiểm và loại bỏ dần các sản phẩm nhựa dùng một lần gây ô nhiễm nhất.
Nhưng Saudi Arabia, Iran, Nga và một số quốc gia dầu mỏ khác lại cực lực phản đối. Họ lập luận rằng, nhựa là vật liệu quan trọng cho tăng trưởng bền vững, vì chúng nhẹ hơn nhiều loại vật liệu thay thế và có thể cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu vận tải, ô nhiễm nhựa không phát sinh từ chính vật liệu mà từ cách tiêu thụ và thải bỏ. Trong các vòng đàm phán trước, các nước này đã phản đối các điều khoản ràng buộc và sử dụng đòn bẩy trong quá trình ngoại giao để ngăn cản ủy ban đàm phán bỏ phiếu.
Điều này khiến các đại diện có tham vọng cao cảm thấy thất vọng. “Nếu chúng ta không giải quyết được các hóa chất và những vật dụng xả rác nhiều nhất, thì việc chỉ nhìn vào khía cạnh quản lý chất thải thực sự vô ích. Điều đó giống như lau sàn khi vòi nước vẫn mở" - Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Na Uy Anne Beathe Tvinnereim, người đứng đầu phái đoàn Na Uy tại Busan cho biết.
Khi nói đến rác thải nhựa, không thể bỏ qua số lượng nhựa ngày càng tăng trong môi trường. Ở các nước đang phát triển, rác thải nhựa đang làm tắc nghẽn các bãi biển và sông ngòi, đồng thời làm động vật hoang dã ngạt thở. Một lượng rác thải khổng lồ ở Congo trong tháng này thậm chí đã khiến một đập thủy điện bị đóng cửa, buộc phải cắt điện. Theo LHQ, nhựa cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 4% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Các cuộc thăm dò cho thấy, công chúng ủng hộ rộng rãi các quy định nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa. Trung bình, tại 32 quốc gia, 90% số người được Ipsos khảo sát trong năm nay ủng hộ các quy định toàn cầu cấm các hóa chất được sử dụng trong nhựa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. Và 87% cho biết, điều quan trọng là phải giảm lượng nhựa được sản xuất trên toàn cầu.
Nhưng có những lợi ích mạnh mẽ khiến nhựa vẫn được sản xuất nhiều hơn. Các nhóm trong ngành nhựa cho rằng, vấn đề ở đây là việc 2,7 tỷ người sống mà không được tiếp cận với dịch vụ quản lý chất thải đầy đủ và việc tìm thêm tiền cho mục đích đó nên là trọng tâm của Busan.
Một thỏa thuận toàn cầu nên được "neo chặt trong tính tuần hoàn, coi nhựa đã qua sử dụng là nguồn tài nguyên có giá trị thay vì chất thải" - ông Benny Mermans - Chủ tịch Hội đồng Nhựa Thế giới, đồng thời là Phó Chủ tịch phụ trách phát triển bền vững tại Chevron Phillips Chemical cho biết trong một tuyên bố trước các cuộc đàm phán tại Busan.
Là nền kinh tế và nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Mỹ có thể gây ảnh hưởng lớn trong các cuộc đàm phán, nhưng liệu họ có làm như vậy ở Busan hay không thì vẫn chưa chắc chắn. Dù Hội đồng Chất lượng môi trường Nhà Trắng cho biết, Mỹ vẫn cam kết "bảo đảm một văn bản toàn cầu đầy tham vọng, ràng buộc về mặt pháp lý để giải quyết ô nhiễm nhựa dựa bằng cách tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa", nhưng việc tiến tới một hiệp ước đầy tham vọng, ràng buộc về mặt pháp lý có thể sẽ phụ thuộc vào ảnh hưởng của các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - những nước mua dầu và khí đốt tự nhiên lớn.
Các quốc gia châu Phi đã đi đầu trong nỗ lực hạn chế nhựa dùng một lần và hàng chục quốc gia trên lục địa này đã thiết lập hoặc cam kết các chính sách để giảm mức tiêu thụ. Một thỏa thuận có thể khiến lệnh cấm này trở thành lệnh cấm quốc tế và cũng tạo ra các yêu cầu bắt buộc về thiết kế để nhựa dùng một lần tuân theo một bộ bản thiết kế hóa học chung, giúp chúng dễ tái chế hơn. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là quy định có thể có đối với các hợp chất hóa học và chất phụ gia được sử dụng trong nhựa mà nghiên cứu chứng minh là có hại.
Bà Erin Simon - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc bộ phận rác thải nhựa và kinh doanh tại Liên đoàn Động vật hoang dã thế giới cho biết, một thỏa thuận để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa nhiều khả năng không được giải quyết trong 1 tuần tại Busan. Kịch bản tốt nhất sẽ là nếu các quốc gia có thể đồng ý với một khuôn khổ ràng buộc để tiếp tục đối thoại về nhựa, giống như cách thế giới hiện đang tiếp tục đối thoại về khí hậu tại các hội nghị thượng đỉnh COP hàng năm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khung-hoang-nhua-cai-toi-tu-cac-ben-10295514.html