Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều qua, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì và điều hành phiên họp. (Ảnh BÙI GIANG)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì và điều hành phiên họp. (Ảnh BÙI GIANG)

Tạo hành lang pháp lý hỗ trợ tinh thần sáng tạo, thử nghiệm

Tham gia thảo luận dự thảo, các đại biểu cho rằng đây là dự thảo luật quan trọng, mang tính nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi bổ sung, với các quy định mang tính đột phá, “mở khóa” để doanh nghiệp, nhà nghiên cứu tham gia mạnh mẽ vào quá trình nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Về khái niệm “sáng tạo”, các đại biểu cho rằng dự thảo luật thiên về yếu tố công nghệ, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh phi công nghệ như đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, mô hình kinh doanh, quản lý..., cần nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn, rộng hơn khái niệm, tiêu chí sáng tạo.

Việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo được xem là quy định tiến bộ, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, khắc phục được rất nhiều điểm nghẽn lớn. Có ý kiến lo ngại nếu không có cơ chế minh bạch, quy định cụ thể, việc chấp nhận rủi ro và miễn trừ trách nhiệm nếu nghiên cứu khoa học thất bại có thể bị lạm dụng, gây thất thoát. Đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định tiêu chí đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo. Thí dụ: Tính mới (kỹ thuật, tổ chức, mô hình); khả năng tạo giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế-xã hội; khả năng nhân rộng, thương mại hóa; có sở hữu trí tuệ hoặc được áp dụng thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (sai số mô hình, thất bại thử nghiệm...) và sai phạm không thể miễn trừ (gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém...). Theo đại biểu, cần thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập, đồng thời thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.

Cùng quan tâm vấn đề, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đánh giá các nội dung quy định, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học-công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo còn chung chung. Theo đại biểu, các dự án nghiên cứu tính mới, các ý tưởng đổi mới sáng tạo có thể diễn ra ngay trong quá trình sản xuất. Do vậy, nếu không quy định rõ quy trình, quy định sẽ dẫn đến việc dễ bị hiểu sai và có thể bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học và cần có quy trình thẩm định, phê duyệt rủi ro.

Đồng thuận với quy định về việc thành lập năm loại quỹ, các đại biểu cho rằng, việc thiết lập các quỹ này là nỗ lực lớn trong xây dựng hệ thống tài chính phục vụ đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, họ đề nghị cần phân định rõ chức năng, phạm vi từng loại quỹ. Thành lập cơ quan đầu mối điều phối cấp quốc gia hoặc có thể là hội đồng hoặc ủy ban liên ngành. Đồng thời yêu cầu công khai, minh bạch hóa hoạt động và đầu ra cụ thể như sáng chế, sản phẩm thương mại hóa; quy định rõ cơ chế phối hợp liên thông và kiểm soát chặt chẽ hiệu quả các loại quỹ bằng các báo cáo minh bạch, công khai định kỳ dựa trên kết quả đầu ra của sản phẩm khoa học công nghệ, sáng tạo.

Về bảo đảm quyền lợi của nhà khoa học và thu hút nhân tài, các đại biểu đề xuất cần tăng cường chính sách khuyến khích thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm; đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, có ưu đãi về thuế, lương, bảo hiểm để giữ chân nhân tài và tạo ra môi trường nghiên cứu thuận lợi...

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây cũng là lần đầu đổi mới sáng tạo được đưa vào dự thảo luật và được đặt ngang hàng với khoa học, công nghệ thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển của Việt Nam. Bộ trưởng ghi nhận, tiếp thu đề nghị của các đại biểu nâng mức chi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo từ 2-3% ngân sách nhà nước.

Về vấn đề chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc chuyển dịch này phù hợp với thông lệ quốc tế, không loại bỏ vai trò của cấp viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, mà ngược lại các viện nghiên cứu có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, phù hợp với thế mạnh cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển.

Lần đầu tiên, dự thảo luật dành một chương riêng quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách tài chính “mồi” của Nhà nước. Trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được khoảng dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng

Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc ban hành Nghị quyết mới nhằm khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026-2030 của cả nước, phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và nhận thấy hồ sơ cơ bản đủ cơ sở chính trị, đủ căn cứ pháp lý, có căn cứ thực tiễn, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Về thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết, có đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, không chỉ về kinh tế mà liên quan quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vì vậy, cần đánh giá tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng đồng thời vẫn giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội...

Tiếp đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng, nhằm thể chế hóa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian đề xuất áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết: Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như kiến nghị của Chính phủ và đề nghị trong tổ chức thực hiện chính sách, cần đánh giá, tính toán khả năng cân đối ngân sách khi thực hiện Nghị quyết này đồng thời với tác động ngân sách của các chính sách giảm thu, nhiệm vụ chi mới phát sinh khác từ nay đến cuối năm.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; nguồn vốn để Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp, đánh giá, xếp loại doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên có vốn nhà nước, doanh nghiệp chưa có vốn nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khuyen-khich-doanh-nghiep-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-post879515.html