Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, kiên quyết chống khai thác IUU

Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường biển của Việt Nam. Xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác này. Để tìm hiểu sâu hơn về những nỗ lực của BĐBP Khánh Hòa trong công tác chống khai thác IUU, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phan Thăng Long, Chỉ huy trưởng BĐBP Khánh Hòa.

Đại tá Phan Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Bích

Đại tá Phan Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Bích

- Thưa đồng chí, BĐBP Khánh Hòa đã triển khai những giải pháp nào để ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác IUU?

- Khánh Hòa hiện có 3.171 tàu cá đã được đăng ký, trong đó, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 642/644 phương tiện (đạt 96,6%). Xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản, BĐBP Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn khai thác IUU. Trong đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân với nhiều hình thức đa dạng như: Tuyên truyền qua loa phát thanh, loa kéo lưu động, phát tờ rơi tại các chợ cá, bến cá; xây dựng, biên tập các nội dung tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo) bằng nhiều hình ảnh trực quan sinh động, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.

Chúng tôi cũng vận động các chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi tăng cường tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi tổ chức gần 1.700 tổ tuần tra, kiểm soát người, phương tiện đánh bắt thủy sản; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính 13 vụ/15 cá nhân.

- Những khó khăn và thách thức lớn nhất mà BĐBP Khánh Hòa đang phải đối mặt trong công tác chống IUU là gì, thưa đồng chí?

- Theo thống kê mới đây, Khánh Hòa có trên 120 phương tiện khai thác và thường xuyên hoạt động trên nhiều vùng biển thuộc các tỉnh khác với thời gian dài. Thực trạng này dẫn đến công tác quản lý, tuyên truyền chủ phương tiện, thuyền trưởng chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, khi xảy ra vụ việc vi phạm hoặc khi tàu cá hoạt động trên các vùng biển giáp ranh, tranh chấp bị lực lượng nước ngoài dùng vũ lực bắt giữ, xử lý, chúng tôi rất khó liên lạc với thuyền trưởng, kể cả trong điều tra, xác minh, xác định nguyên nhân vi phạm cũng như việc ứng cứu khi tàu gặp nạn.

Bên cạnh đó, một số tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh nhưng chưa đăng ký được với địa phương sở tại, khiến công tác quản lý tàu cá gặp nhiều thách thức. Về mặt kỹ thuật, có hiện tượng thiết bị VMS mất kết nối khi khai thác trên biển gây khó khăn cho công tác quản lý tàu cá (qua xác minh, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn điện cấp thiết bị không ổn định, thời tiết trên biển diễn biến bất thường).

Trong khi đó, địa bàn quản lý của BĐBP Khánh Hòa rộng, các trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn hầu hết là bãi ngang chưa được đầu tư xây dựng các cầu cảng nên công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng tàu cá gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ các trạm kiểm soát Biên phòng còn thiếu so với biên chế, trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá ra vào cảng, bến nên ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ BĐBP Khánh Hòa kiểm tra các điều kiện đảm bảo thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân. Ảnh: Nguyễn Bích

Cán bộ BĐBP Khánh Hòa kiểm tra các điều kiện đảm bảo thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân. Ảnh: Nguyễn Bích

- Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa đã có những giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, thách thức trên?

- Trước tiên, chúng tôi tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản có liên quan của các cấp về công tác phòng, chống khai thác IUU. Hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng Nghị quyết chuyên đề và các kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Chúng tôi cũng phối hợp, trao đổi thông tin, tình hình trên biển với lực lượng Công an, Hải quân, Cảnh sát biển... nhằm kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, chủ động thông báo, trao đổi, chia sẻ thông tin với BĐBP các tỉnh, thành phố có liên quan để phối hợp quản lý tốt nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, tàu cá thường xuyên hoạt động, lưu trú dài ngày ở các địa phương khác.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng liên ngành tại các cảng cá, bến cá tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng cá; kiên quyết không cho tàu cá xuất cảng, bến đi hành nghề khi chưa đủ các thủ tục giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định của pháp luật. Duy trì cán bộ Biên phòng tham gia Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn; phối hợp triển khai có hiệu quả phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản; phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức cho ngư dân với tinh thần “vươn khơi bám biển nhưng không vi phạm vùng biển nước ngoài”, “khai thác hải sản bền vững đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

- Đề nghị đồng chí cho biết, những giải pháp nào cần được ưu tiên trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa?

- Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản liên quan đến khai thác thủy sản trên biển; đặc biệt là các khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường hiệu quả công tác quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn, trạm Biên phòng; kiên quyết không cho xuất bến các phương tiện đi biển khi chưa đảm bảo thủ tục giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định. Khi xuất bến, thuyền trưởng, chủ phương tiện viết cam kết không đưa tàu cá khai thác vùng biển nước ngoài và chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác thủy sản.

Đồng thời, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng cho tàu cá, ngư dân làm ăn trên biển. Tổ chức điều tra, xác minh, xử lý đến cùng thông tin tàu cá mất kết nối thiết bị VMS và xử lý nghiêm những tàu cá có các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bích Nguyên (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kiem-soat-chat-che-tau-ca-xuat-nhap-ben-kien-quyet-chong-khai-thac-iuu-post481480.html