Kiểm soát phòng dịch trong trường học: Mạnh ai nấy làm

Sau dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội đón học sinh trở lại trường. Mặc dù các quy định, hướng dẫn về kiểm soát phòng dịch trong nhà trường đã được UBND Thành phố, Sở ban hành nhưng khi triển khai ở nhà trường vẫn chưa thống nhất khiến phụ huynh lo lắng.

Mỗi nơi một kiểu

Theo ghi nhận, tại nhiều trường học khi học sinh đến trường được đo thân nhiệt, sát khuẩn ngay tại cổng trường nhưng ở một số nơi tình trạng học sinh vào lớp giáo viên mới đo thân nhiệt. Thậm chí, có trường giáo viên còn giao cho học sinh trong lớp đo thân nhiệt cho nhau.

Học sinh Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) đo thân nhiệt từ cổng trường. Ảnh: Lê Vân

Học sinh Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) đo thân nhiệt từ cổng trường. Ảnh: Lê Vân

Chị Phạm Mai (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặt vấn đề, nếu một học sinh bị F0, sau đó đứng đo thân nhiệt cho các bạn trong lớp thì có thể cả lớp bị lây theo. Trường hợp giáo viên đứng ra đo thân nhiệt nhưng nếu giáo viên là F0 thì sẽ ra sao? Do đó việc kiểm soát phòng dịch thực sự đáng lo ngại.

Một phụ huynh có con học một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Lớp con tôi, phụ huynh tự thuê người làm vệ sinh, tự mua đồ sát khuẩn, phân công nhau nếu có cháu bị dương tính thì tổ chức đón về…”.

Sau gần 2 tuần con trở lại trường học, anh Nguyễn Minh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tình trạng on-off còn xảy ra ở một số lớp khác trong trường con anh theo học. Gia đình học sinh vẫn phải chủ động trong nhiều khâu. Ví dụ, gia đình tự test nhanh, tự báo cáo, tự nghỉ ở nhà học online. Nếu có gia đình nào không test cho con thì sẽ có tình trạng F0 vẫn đi học vô tư.

Mặt khác, theo phản ánh của một số phụ huynh thì việc xác định F1 của một số trường để quyết định học online hay trực tiếp cũng khác nhau.

Chẳng hạn tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Quận Ba Đình, Hà Nội) thì khi học sinh là F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến tại nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe. Nhà trường yêu cầu học sinh test nhanh hằng ngày, 3 lần có kết quả âm tính báo cáo giáo viên chủ nhiệm là có thể đi học trực tiếp.

Còn chị Minh Tâm (Khu đô thị mới Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy) cho biết: “Xác định F1 khi học sinh khoác vai, ôm, nói chuyện trên 15 phút và ngồi cạnh nhau. Những trường hợp này sẽ học online tại nhà. Sau khoảng 3, 4 hôm phụ huynh tự test nhanh cho con và báo lại giáo viên chủ nhiệm, nếu âm tính thì học sinh được trở lại trường học.

Như vậy cùng là F1 nhưng mỗi trường lại có cách xử trí khác nhau khiến phụ huynh khá hoang mang. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều trường học nội thành Hà Nội bố trí máy đo thân nhiệt điện tử ngay tại cổng trường, các kịch bản phòng dịch được tuân thủ theo quy định của Sở liên ngành. Theo Bà Lê Thị Thúy Nga (Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì Trường bố trí các máy đo thân nhiệt tại cổng trường để đón học sinh. Các công việc này đều được thực hiện bài bản từ đợt dịch lần trước.

Sau gần 2 tuần triển khai cho học sinh lớp 7 đến lớp 12 đi học và 3 ngày cho học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành đến trường, nhiều trường học phải vừa kết hợp học trực tiếp, online do lớp học xuất hiện nhiều ca mắc.

Cụ thể, trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) có học sinh F0 sau hôm đầu tiên học sinh đến trường; Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) có giáo viên F0; Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai) cho cả lớp 12A3 nghỉ học trực tiếp, chuyển học online. Nguyên nhân là bởi lớp có tổng 40 học sinh thì 15 em được xác định F0 qua test nhanh; các học sinh còn lại trong lớp được xác định là F1. Trường THPT Việt Đức cũng phải thay đổi hình thức học của một số lớp và môn học do xuất hiện hàng loạt học sinh xét nghiệm PCR được khẳng định F0. Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ (Hà Nội) đã phải đóng cửa trường học vì số học sinh mắc COVID-19 tăng cao. Có lớp học tại đây thậm chí được xác định trở thành ổ dịch khi có 7 F0.

Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ cần ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test. Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.

Phải tuân thủ kịch bản do Sở hướng dẫn

Liên quan đến việc kiểm soát dịch trong nhà trường khi học sinh học trực tiếp, ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, mỗi trường học đều xây dựng kịch bản đón học sinh trở lại trường trên cơ sở hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT, Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, quy định cụ thể với những việc cần làm đối với nhà trường, giáo viên. Cụ thể: Nhà trường sẽ bố trí người đón và giao nhận học sinh tại cổng trường. Quy định hướng dẫn nhân viên bảo vệ, giáo viên, học sinh nhà trường thực hiện các nội dung theo danh mục cần làm đã được quy định...

Được biết, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh khi trở lại trường học, khi học sinh Hà Nội trở lại trường UBND TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thành lập tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học trên địa bàn, tổ công tác do lãnh đạo xã, phường, thị trấn làm tổ trưởng. Đồng thời, phê duyệt kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp và kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong nhà trường. Xây dựng các phương án bảo đảm bố trí đủ cán bộ y tế học đường tại các trường học.

Mặt khác, khuyến khích các trường học thành lập nhóm gia đình tự quản các em học sinh (từ 3-5 học sinh/nhóm) để phối hợp với nhà trường, nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh khi trở lại học trực tiếp và tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giám sát học sinh thực hiện các quy định phòng, chống dịch, quy tắc “5K” và phương châm “một cung đường, hai điểm đến”, kịp thời thông báo với cơ quan y tế trên địa bàn khi học sinh có những biểu hiện nghi nhiễm COVID-19; làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý cho phụ huynh, các học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường khi có trường hợp mắc COVID-19.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/kiem-soat-phong-dich-trong-truong-hoc-manh-ai-nay-lam-20220217125318534.htm