Kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Ngày 23/7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 'Hội thảo về phòng, chống tác hại của thuốc lá'.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh thuốc lá thông thường thì hiện nay một số loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ cũng có tác hại không kém thuốc lá thông thường, cần phải được đặc biệt quan tâm...
Ông Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam giải thích: Thuốc lá điện tử, là sản phẩm nung nóng một loại dung dịch chứa nicotine, tạo ra khí aerosol người sử dụng sẽ hít vào.
Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có các chất tạo mùi và được pha trong chất Propylene Glycol và/ hoặc Glycerin (đóng vai trò dung môi cho nicotine); Còn đối với sản phẩm thuốc lá nung nóng, nung sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Cán bộ truyền thông Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế nhận định: “Hiện nay, các loại sản phẩm thuốc lá mới này chưa được phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ở Việt Nam, nhưng các công ty thuốc lá trên thế giới đã tìm rất nhiều cách để giới thiệu, đưa các sản phẩm này vào Việt Nam. Đây là mối nguy hiểm rất lớn”.
Với mục tiêu nhắm vào đối tượng sử dụng là giới trẻ, các nhà sản xuất thuốc lá đã thiết kế ra các sản phẩm thuốc lá điện tử rất hấp dẫn, bắt mắt như hình cái kẹo, hình USB... đặc biệt có đến 15.000 hương vị trái cây, bạc hà, cà phê, sôcôla... Các loại thuốc lá mới vẫn có tác hại như thuốc lá thông thường, bởi chất nicotine gây độc, gây nghiện có trong sản phẩm. Ngoài ra, một số chất khác gây ung thư khi đun nóng vẫn có mặt trong các sản phẩm thuốc lá mới.
Ông Đào Thế Sơn – Liên minh phòng chống lao và bệnh phổi quốc tế nhìn nhận: Từ năm 2011-2018 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Mỹ tăng từ 1,5% lên đến 27,5% cho nhóm thanh thiếu niên độ tuổi 13-15 gây ra một thực trạng đáng lo ngại.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở thanh, thiếu niên cũng bắt đầu tăng cao ở nhóm học sinh tuổi từ 13-17. Nếu không sự kiểm soát, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ tăng rất nhanh, tạo ra một lực lượng người hút mới, (chứ không phải giúp giảm hại cho người hút cũ) gây ra bệnh dịch kép tại những nước mà tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu còn rất cao như Việt Nam.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/kiem-soat-thuoc-la-dien-tu-thuoc-la-nung-nong-604100/