Kiểm toán nhà nước tham gia thẩm định gói thầu, kiểm toán tổng mức đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên việc phê duyệt dự toán cần phải được rà soát ngay từ đầu của các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước... nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hạn chế các vướng mắc...
Như tin đã đưa, tại Phiên họp chiều 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam.
Tại Nghị quyết, Quốc hội cho phép áp dụng 19 cơ chế đặc thù để thực hiện dự án, trong đó có cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo đó, Nghị quyết yêu cầu, khi lựa chọn nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, thành phần Tổ thẩm định theo quy định của pháp luật về đấu thầu và bổ sung đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước.
Đồng thời, Nghị quyết quy định, Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ tổng mức đầu tư đã được hoàn thiện theo báo cáo thẩm định của cấp quyết định đầu tư cho Kiểm toán nhà nước để thực hiện kiểm toán làm cơ sở phê duyệt Dự án.
Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm gửi kết quả kiểm toán cho cấp quyết định đầu tư trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị kiểm toán - Nghị quyết nêu rõ.
Theo Nghị quyết, trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho Dự án.
Chính phủ ban hành Nghị định để quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm Dự án đúng tiến độ, chất lượng; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư Dự án; chỉ đạo tổ chức việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị làm rõ trong quá trình lựa chọn nhà thầu EPC, yêu cầu Bộ Quốc phòng, Công an, thanh tra, kiểm toán vào cuộc có bảo đảm tránh được tiêu cực không và việc yêu cầu Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán ngay từ giai đoạn tư vấn thiết kế có phù hợp không.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Dự án có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên việc phê duyệt dự toán cần phải được rà soát ngay từ đầu của các cơ quan có liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước... nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hạn chế các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
“Nhiều gói thầu của Dự án sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thầu nước ngoài, vì vậy việc dự toán gói thầu được chuẩn xác thông qua ý kiến của các cơ quan có liên quan ngay từ đầu sẽ góp phần hạn chế các vướng mắc, có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý quốc tế” – ông Vũ Hồng Thanh báo cáo.