Kiên quyết, kiên trì xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh: Kỳ I: Nhiều hệ lụy từ những hủ tục

Hà Giang là địa bàn cư trú của 19 dân tộc, với một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng đồ sộ, giàu bản sắc. Tuy nhiên, nhiều tập quán đã biến tướng thành hủ tục, là một trong những “thủ phạm chính” dẫn đến đói, nghèo. Trước thực trạng đó, ngày 1.5.2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 27 về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, hướng đến năm 2030”.

Trước khi có Nghị quyết 27, đời sống của đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh luôn bị chi phối bởi những phong tục, tập quán của từng dân tộc, từng dòng họ, với những tục lệ rườm rà, nhất là trong việc cưới, việc tang, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, gây lãng phí thời gian, tiền của, hao mòn sức lực của nhân dân và đã có những câu chuyện buồn xảy ra tại các làng quê.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao đổi với người dân thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) về thực hiện Nghị quyết 27.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao đổi với người dân thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) về thực hiện Nghị quyết 27.

Ông Hoàng Văn Sự, thôn Trung, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) cho biết: Năm 2020 mẹ tôi mất, con cháu phải cúng, lễ rất nhiều cành hoa, mời thầy cúng tốn kém rất nhiều tiền. Đặc biệt là đám tang kéo dài 4-5 ngày. Trong những ngày diễn ra tang lễ, mỗi bữa mổ 1-2 con lợn hàng tạ thịt vẫn hết veo. Nói đến đây giọng ông Sự nghẹn lại, mắt buồn xa xăm: “Đám tang mẹ tôi xong, để có tiền trả cho các khoản chi phí tôi phải bán nhà trả nợ”.

Anh Thèn Văn Hiệu, một hộ nghèo thôn Lủng Mở, xã Tả Nhìu (Xín Mần); gia đình có bốn người, hai vợ chồng và hai đứa con, mặc dù rất chịu khó lao động, chí thú làm ăn, nhưng cái nghèo cứ đeo bám như một vòng luẩn quẩn. Anh cho biết: Ngoài làm ruộng nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm, những lúc nông nhàn còn ra thành phố Hà Giang làm thuê để có tiền trang trải và nuôi con ăn học. Hiệu nói vui, “Em nhạc nào cũng nhảy” cốt kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống gia đình. Khi được hỏi tại sao chịu khó làm ăn như vậy nhưng gia đình vẫn nghèo? Đôi mắt đợm buồn, Hiệu nói: Ở thôn 100% là đồng bào dân tộc Nùng, quan hệ dòng họ, nội ngoại đan xen. Khi có người mất cả dòng họ, nội, ngoại đến làm ma, đem theo trâu, bò, lợn, gà, dê để mổ… ăn uống, cúng bái linh đình mấy ngày, rất lãng phí. Khi bố em mất, họ hàng cũng đem gia súc, gia cầm đến làm ma. Theo phong tục dân tộc em đó là món “nợ đồng lần” mà em phải trả mỗi khi trong dòng họ có người chết.

Người dân xã Bản Ngò (Xín Mần) đánh bóng vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc Nùng.

Người dân xã Bản Ngò (Xín Mần) đánh bóng vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc Nùng.

Khi được hỏi, con dê buộc ở cột nhà kia đem bán à? Hiệu cho biết, vừa mua với giá gần 3 triệu đồng để chuẩn bị đi đám tang nhà anh rể có người sắp chết. Nước mắt rơm rớm, Hiệu rãi bày, nhiều khi túng thiếu, sáng con xin tiền đi học không có, nhưng vẫn phải vay mượn để mua gia súc, gia cầm đem đi đám tang. Ngay trong tháng này, nhà em tiêu tốn gần chục triệu đồng vào việc tang trong dòng họ… Với bản chất thật thà, Thèn Văn Hiệu nói, cũng biết đây là phong tục lạc hậu, rất muốn cải tạo, bài trừ, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào? Bởi nếu làm một mình sẽ bị dòng họ bài trừ, cô lập.

Rõ ràng, những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã cản trở rất lớn đến sự phát triển của các địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân cũng biết điều đó nhưng không biết phải làm gì, giải quyết như thế nào và từ đâu? Và Nghị quyết 27 ra đời như thổi một luồng sinh khí mới, tích cực đến từng bản, làng, thôn, xóm và là “cẩm nang” để cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.

Đồng chí Nguyễn Thế Phong, Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), cho biết: “Tại địa phương, đồng bào dân tộc Dao, Tày sinh sống quây quần từ đời này sang đời khác. Trong cuộc sống, có những phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng cổ xưa đã ăn sâu vào tiềm thức. Rất buồn là có những phong tục, tập quán không còn phù hợp với xã hội hiện nay và biến tướng thành hủ tục, như tục thách cưới cao, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm trong việc cưới, việc tang, ăn uống linh đình; lợi dụng việc cúng bái để hành nghề mê tín dị đoan…”. Cấp ủy, chính quyền và người dân ai cũng biết đó là hủ tục, cần loại bỏ, nhưng không ai dám thực hiện trước, bởi những ràng buộc về gia đình, dòng họ, về tâm linh… ai cũng sợ bị cô lập.

Trường PTDT nội trú THCS - THPT Xín Mần đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào giảng dạy.

Trường PTDT nội trú THCS - THPT Xín Mần đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào giảng dạy.

Nhận diện được những hệ lụy từ những hủ tục, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27; thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ 443) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên tinh thần quyết liệt, hiệu quả, thiết thực, bài bản và bền vững. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng, cho biết: Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, gắn với triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện Nghị quyết 27 với quan điểm “Thường xuyên, liên tục, kiên trì”, BCĐ 443 đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết trên nguyên tắc tuân thủ những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm đồng bộ, quyết liệt trên cả 2 mặt xây và chống. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nghị quyết. Phải có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng con người mới, nếp sống văn minh, tạo nên những giá trị văn hóa trong đồng bào các dân tộc.

Từ khi có Nghị quyết 27, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, xóm, dòng họ, đến từng gia đình, đặc biệt là sự hưởng ứng, đón nhận của nhân dân, đã có nhiều cách làm hay, việc làm cụ thể, hiệu quả, mang lại kết quả tích cực, có sức lan tỏa trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

----------------

Kỳ II - Nghị quyết hợp lòng dân.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/kien-quyet-kien-tri-xoa-bo-hu-tuc-xay-dung-nep-song-van-minh-ky-i-nhieu-he-luy-tu-nhung-hu-tuc-d2f05e8/