Kiên quyết xử lý hành vi khai thác cát trái phép

Trước tình hình khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhất là đối với khu vực trên sông Tiền gần chân cầu Mỹ Thuận và khu vực ven biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung xử lý.CÒN ĐÓ NHỮNG KHÓ KHĂN

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở Giao thông - Vận tải, UBND các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông), mở nhiều đợt kiểm tra, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép, bước đầu đã ngăn chặn cơ bản tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông ở Tiền Giang.

Phương tiện vận chuyển cát trái phép bị lực lượng chức năng xử lý.

Phương tiện vận chuyển cát trái phép bị lực lượng chức năng xử lý.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép còn nhiều khó khăn, do đó tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn tỉnh lớn trong khi nguồn cung khan hiếm; lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp để đối phó lực lượng chức năng (thường lợi dụng đêm khuya, bố trí người chạy xuồng máy tốc độ cao dọc các đoạn sông nơi các đối tượng đang khai thác cát trái phép để cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo để các đối tượng rút vào neo đậu trong bờ).

Trên bờ, các đối tượng thuê người canh phương tiện chở tổ kiểm tra để kịp thời thông báo cho các đối tượng khai thác cát trái phép biết). Ngoài ra, trên tuyến sông Tiền khu vực cầu Mỹ Thuận hiện có nhiều lực lượng tham gia xử lý tình hình khai thác cát không phép, các đối tượng thường lợi dụng các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép, khi bị phát hiện thì chạy trốn sang tỉnh lân cận, gây khó khăn cho việc bắt, xử lý.

Chưa kể, hoạt động của các tổ công tác liên ngành cấp huyện một số nơi chưa thật sự hiệu quả, chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép trên địa bàn quản lý. Một số địa phương thiếu các trang bị, phương tiện, kinh phí hoạt động, đặc biệt là phương tiện thủy để phục vụ đấu tranh, thiết bị định vị...

Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này còn không ít bất cập, gây khó khăn trong áp dụng thực tế công tác đấu tranh, cụ thể một số điều, khoản còn sơ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng nhằm trốn tránh trách nhiệm: Điều 227 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017); khoản 1, Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012...

Công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoáng sản, xây dựng, đầu tư, thuế...) nhưng công tác phối hợp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh giữa các ngành, các cấp, địa phương có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

TẬP TRUNG KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC “ĐIỂM NÓNG”

Theo đánh giá chung, thời gian qua, tình hình, thực trạng khai thác cát trái phép tại khu vực gần chân cầu Mỹ Thuận và khu vực ven biển vẫn còn diễn ra. Theo đó, khu vực cầu Mỹ Thuận thuộc xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) là khu vực cấm thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng với trữ lượng khoáng sản (cát) lớn (khoảng 25 triệu m3 - theo Bản đồ quy hoạch, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020), là nguyên nhân các đối tượng tập trung tại khu vực này để khai thác cát trái phép.

Riêng khu vực ven biển (Cửa Tiểu, Cửa Đại thuộc huyện Tân Phú Đông), thời gian gần đây, tình hình khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp; trong đó, tập trung khu vực các bến phà Bình Ninh, Vàm Giồng, Rạch Vách, Tân Long (thuộc sông Cửa Tiểu, huyện Tân Phú Đông), khu vực cống Lý Quàn, đoạn cồn Thới Trung và cù lao Tân Thạnh (thuộc sông Cửa Đại, huyện Tân Phú Đông).

Thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, tuần tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép nhằm kéo giảm tình trạng vi phạm khai thác cát trái phép tại 2 địa bàn nói trên.

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trên toàn tỉnh, lực lượng Công an đã phát hiện 79 vụ/125 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản (chủ yếu là hành vi khai thác cát trái phép và vận chuyển cát không có hóa đơn, chứng từ); trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính 39 vụ/63 đối tượng với tổng số tiền phạt hơn 5,8 tỷ đồng, tịch thu 3 phương tiện thủy nội địa, 3 máy hút cát; còn 40 vụ/62 đối tượng đang lập hồ sơ xử lý. Thanh tra Sở TN-MT phát hiện, xử lý 25 cá nhân, 1 tổ chức với số tiền 5,1 tỷ đồng, tịch thu 1 phương tiện thủy nội địa.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép khu vực gần cầu Mỹ Thuận và cửa biển: Khu vực gần cầu Mỹ Thuận đã phát hiện, xử lý 11 vụ/24 đối tượng, số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, tịch thu 3 máy hút cát, 22,568 m3 cát; khu vực ven biển, lực lượng Công an phát hiện 25 vụ/52 đối tượng vi phạm (khai thác cát trái phép 4 vụ, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn chứng từ 21 vụ), đang lập hồ sơ xử lý. Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện 13 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ vận chuyển cát không có hóa đơn, chứng từ với số tiền hơn 285 triệu đồng.

Từ thực tế vừa qua, để ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Sở TN-MT, các đơn vị có liên quan, UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, phối hợp giám sát, cung cấp thông tin kịp thời cho ngành chức năng bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã giao Công an tỉnh phối hợp với Công an các tỉnh lân cận Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường tại các địa bàn giáp ranh 4 tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh với loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan, Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với thành viên tổ công tác liên ngành các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông; tập trung kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát trái phép tại các “điểm nóng” thời gian qua mà báo chí phản ánh, kiên quyết không để tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn quản lý diễn ra kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

UBND tỉnh cũng đã giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 227 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017); khoản 1, Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để làm cơ sở xử lý hình sự các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, răn đe tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

NHÓM PVKT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202208/kien-quyet-xu-ly-hanh-vi-khai-thac-cat-trai-phep-958426/