Kiên quyết xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Khai thác cát trên sông Ba đoạn qua xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Theo Sở TN-MT, thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường, tuy nhiên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra, chưa được xử lý dứt điểm. UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh kịp thời các trường hợp vi phạm.

Phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm

Theo Sở TN-MT, thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường, tuy nhiên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra, địa phương chưa xử lý dứt điểm.

Ông Đỗ Văn Cấp, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết, thời gian qua, huyện thường xuyên chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành khoáng sản kiểm tra việc khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Năm 2020, địa phương đã phát hiện và xử lý 9 trường hợp khai thác cát trái phép. Từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương cũng phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp khai thác cát trái phép tại khu vực sông Ba, phạt tiền hơn 40 triệu đồng. Huyện đang chỉ đạo Phòng TN-MT củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm trường hợp khai thác cát trái phép tại khu vực sông Ba có liên quan đến Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Trần Đại…

Tại huyện Sông Hinh, từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương này cũng tổ chức các đợt kiểm tra, nắm bắt tình hình khai thác khoáng sản đất, cát trên địa bàn các xã Ea Bia, Ea Lâm và Sơn Giang. Huyện đã phối hợp với Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất việc khai thác cát của Công ty TNHH Vận tải - Xây dựng Hồng Nguyên tại xã Sơn Giang. Qua kiểm tra, huyện đã yêu cầu doanh nghiệp này di dời các thiết bị chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để khai thác ra khỏi khu vực mỏ, đồng thời yêu cầu khai thác đúng theo giấy phép như Sở TN-MT đã có kết luận… “Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhất là không để tình trạng khai thác cát trái phép”, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nói.

Theo ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thời gian qua, Sở TN-MT tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh của công dân về tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại các địa phương, trong đó có một số điểm nóng thường xuyên tái diễn nhưng chính quyền chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Trong năm 2020, tỉnh đã lập một đoàn kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 22 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, phạt tiền hơn 820 triệu đồng. Tính từ năm 2011 đến nay, qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm lĩnh vực khoáng sản, phạt hành chính với số tiền khoảng 2,3 tỉ đồng.

Không nghiệm thu công trình sử dụng khoáng sản trái phép

Hiện một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm quy định về khoáng sản, đất đai, môi trường trong hoạt động khai thác như khai thác ngoài vị trí được cấp phép, khai thác vượt công suất; khai thác chưa đúng hệ thống khai thác theo thiết kế mỏ đã được duyệt; sử dụng bãi tập kết cát chưa đúng quy định; xe vận chuyển khoáng sản quá tải, thực hiện giám sát môi trường chưa đúng tần suất theo quy định; không vận hành trạm cân, camera giám sát; không báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; không lập đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Trong quá trình khai thác, một số đơn vị chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường; trách nhiệm hỗ trợ đối với cộng đồng nơi có khoáng sản khai thác chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, còn một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt, vận chuyển cát ra ngoài tỉnh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép…

Ông Mai Kim Lộc cho rằng để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh cần chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các ban ngành của tỉnh là chủ đầu tư các công trình, dự án không xem xét, nghiệm thu đối với các công trình, dự án sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng các công trình, chủ đầu tư cần tính toán, xác định và thể hiện rõ khối lượng khoáng sản (đất, đá...) dôi dư của dự án cần sử dụng cho chính công trình, dự án đó hoặc phải vận chuyển ra khỏi khu vực công trình khi triển khai thi công để cấp có thẩm quyền xem xét, cấp phép khai thác theo quy định hoặc không cần cấp phép khai thác nhưng phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác (được cấp có thẩm quyền xác nhận). Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trái phép trong diện tích công trình đã được giao làm chủ đầu tư.

Sở TN-MT cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là trong việc thực hiện trình tự thủ tục thăm dò, cấp giấy phép khai thác khoáng sản và hoạt động quản lý sau cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng các nội dung theo giấy phép khai thác khoáng sản; xử lý hoặc tham mưu để xử lý nghiêm, kể cả đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép trong trường hợp tổ chức, cá nhân tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/261752/kien-quyet-xu-ly-tinh-trang-khai-thac-khoang-san-trai-phep.html