Kiến tạo các động lực tăng trưởng mới

Làm mới những động lực tăng trưởng cũ, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới sẽ đem lại sức mạnh cộng hưởng giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, bền vững. Đây là 'tiếng nói chung' của các chuyên gia và doanh nghiệp trong Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.

Tận dụng những gì đang có trong tay

Trong hai phiên chuyên đề và phiên toàn thể của diễn đàn, các ý kiến đều thống nhất rằng, dù còn nhiều khó khăn song nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.

Các đại biểu dự Phiên toàn thể. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Phiên toàn thể. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, từ quý IV.2022, kinh tế tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí đều gặp “trục trặc”, giảm tốc. Đáng chú ý, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tăng trưởng GDP lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân.

Ở thời điểm hiện tại, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, cả 3 động lực “truyền thống” của tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều bị các biến động tiêu cực của kinh tế thế giới làm suy yếu phần nào.

Để củng cố những động lực này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục thực hiện thành công các cơ chế, chính sách của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng… nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, phải thúc đẩy các động lực hiện hữu, “chúng ta phải tận dụng những gì đang có trong tay”, ông Lực nhấn mạnh. Cụ thể là đẩy mạnh đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… “Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nếu giải ngân được 95% trong tổng vốn 713.000 tỷ đồng sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. Kích cầu tiêu dùng nội địa, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %”, vị chuyên gia này cho biết.

Cùng với đó, phải chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, đầu tư công… nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.Theo TS. Cấn Văn Lực, việc này đã bị chậm trễ thời gian qua do phải ưu tiên giải quyết những việc cấp bách trước như dịch bệnh, thiên tai, suy giảm tăng trưởng…; nay cần quan tâm hơn và kiên trì, nhất quán thực hiện.

Nội lực không giới hạn ở lượng tiền, vàng người dân nắm giữ

Bên cạnh củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, các đại biểu dự Diễn đàn chỉ ra nhiều động lực mới cho tăng trưởng.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,nội lực của nền kinh tế không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân đang nắm giữ. Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa mở đường”. Chúng ta cũng cần lưu tâm đến những nội lực khác gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ “Gen Z” ngày một mở rộng và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng.

Trên nền tảng đó, Quốc hội cần tạo dựng một khung khổ ở tầm quốc gia nhằm cải tiến năng suất lao động, gắn với tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới. Nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích và rà soát khung pháp lý để hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn, triển khai sớm hơn các mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,… có lồng ghép hiệu quả tư duy liên kết vùng bền vững. Thực hiện hiệu quả các FTA, tập trung vào các FTA thế hệ mới, gắn với tăng năng lực cho doanh nghiệp.

Trong trung và dài hạn, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể đưa chuyển đổi xanh trở thành động lực tăng trưởng mới. Muốn vậy, ở cấp độ Quốc hội cần có 4 định hướng chính sách lớn. Đó là tăng quy mô đầu tư công trong 2 - 3 năm tới vì đây vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong trung hạn, những điều chỉnh nếu có cần ưu tiên cho các dự án theo hướng chuyển đổi xanh; hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện khung pháp lý trong đầu tư và sản xuất năng lượng tái tạo.

7 động lực tăng trưởng mới

Theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và cộng sự, có tới 7 động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn. Đó là xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số; tăng năng suất các yếu tố tổng hợp; sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cải cách thể chế; chuyển đổi sang tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh liên kết vùng - thúc đẩy vai trò của các đầu tàu kinh tế - xã hội. Đặc biệt, quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng có thể giúp tăng thêm 2 - 3% GDP mỗi năm.

Để khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu; quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia đã làm. Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; theo đó, cần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân để có đề xuất cập nhật, điều chỉnh phù hợp. Thúc đẩy tăng trưởng xanh, chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; cụ thể là sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết “Zero - carbon” đến năm 2050... Thực thi hiệu quả liên kết vùng, phát huy hiệu quả các đầu tàu kinh tế/trục tăng trưởng.

Đồng thời, phải xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng với cơ chế liên thông, chia sẻ và quản lý rủi ro dữ liệu.

Khẳng định kiến tạo động lực tăng trưởng mới là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế. Điều này đòi hỏi phải có một quyết tâm mang tính đột phá và hành động trong toàn hệ thống.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/kien-tao-cac-dong-luc-tang-truong-moi-i343552/