Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ ngôi nhà cháy (P.2)
Kinh Diệu pháp Liên hoa sử dụng hình ảnh các loại xe đại diện cho các phương pháp tu, mỗi người có một pháp môn ưa thích riêng, người hành theo bố thí Bồ tát đạo, người quán 12 nhân duyên, người ẩn cư, người tu pháp Bắc truyền,…
Kinh dùng đủ thứ nhân duyên, đủ thứ ví dụ để rộng nói, dùng vô số phương tiện để giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh lìa các sự chấp trước. Phương tiện là "phương pháp" khéo léo, "tiện" lợi, mượn những hình ảnh của trần thế để dễ dàng cho việc bày tỏ ý nghĩa giáo lý.
1. Ngôi nhà cháy
Trích từ quyển thứ hai của bộ kinh, phẩm “Thí dụ thứ ba”, có đoạn chép như sau:
"Xá Lợi Phất! Như quốc ấp tụ lạc, có vị đại trưởng giả tuổi đã già nua, của cải giàu có vô lượng, có nhiều ruộng vườn nhà cửa và các tôi tớ. Nhà đó rộng lớn, chỉ có một cửa, có rất nhiều người, một trăm, hai trăm, cho đến năm trăm người, đều ở trong đó.
Lầu gác hư mục, tường vách sụp đổ, cột kèo xiêu vẹo, nóc mái nghiêng ngả. Xung quanh, cùng một lúc, lửa bỗng nổi lên thiêu đốt nhà cửa. Các người con của ông trưởng giả, hoặc mười, hai mươi, cho đến ba mươi người, đều ở trong nhà đó.
Ông trưởng giả thấy lửa lớn từ bốn phía nổi lên, bèn rất sợ hãi, mà nghĩ như vậy: Tuy ta ở nơi cửa nhà cháy ra ngoài được an ổn, mà các người con của ta đang ở trong nhà lửa, đùa giỡn chẳng hay biết gì, chẳng kinh sợ lửa sẽ đốt thân, rất đau khổ lắm mà chúng chẳng lo lắng, chẳng có ý cầu ra ngoài.
Xá Lợi Phất! Ông trưởng giả bèn nghĩ như này: Thân và tay của ta, có sức sẽ dùng vạt áo, hoặc bàn ghế từ trong nhà mà ra ngoài. Ông lại nghĩ: Nhà đó chỉ có một cửa mà lại hẹp nhỏ, các người con còn thơ ấu chưa có hiểu biết, ham mê chơi đùa, sẽ bị đọa lạc, hoặc bị lửa thiêu đốt.
Ta sẽ vì chúng nói việc đáng sợ. Nhà này đã cháy, phải đi ra mau, đừng để bị lửa thiêu hại. Nghĩ như thế rồi, bèn y theo sự suy nghĩ đó, mà bảo các con: Các con hãy mau ra! Người cha tuy thương xót, khéo nói lời dẫn dụ, mà các người con ham vui chơi đùa chẳng chịu tin nhận, chẳng sợ hãi, chẳng có tâm muốn ra, cũng chẳng biết gì là lửa, gì là nhà, thế nào là mất, cứ chạy đông chạy tây, đùa giỡn nhìn cha mà thôi.
Bấy giờ, ông trưởng giả bèn nghĩ: Nhà này lửa đã cháy lớn, nếu ta và các con không ra, thì sẽ bị lửa thiêu. Nay ta phải bày phương tiện, khiến cho các con khỏi bị lửa hại.
Cha biết các con, trước kia tâm đều thích đủ thứ đồ chơi quý giá kì lạ, ai nấy đều ưa thích, mà bảo rằng: Ở đây có những đồ chơi, ít có, khó được, nếu các con không mau ra lấy, chắc sau này sẽ buồn, ăn năn. Nào là xe dê, xe hươu, xe trâu, đủ thứ, nay đều ở ngoài cửa, có thể dùng đi dạo chơi. Các con đang ở trong nhà lửa, hãy mau ra đây, tùy ý muốn của các con, cha đều cho các con."
Vị đại trưởng giả trong đoạn kinh là dụ cho đức Phật, “lớn tuổi, già nua” là dụ cho sự kinh nghiệm, đã trải qua sự đời để chiêm nghiệm, chính là trí tuệ. Vị trưởng giả này của cải giàu có vô lượng vừa đại diện cho xuất thân thái tử của đức Phật, vừa mang tính thể hiện phước đức đã tròn đầy viên mãn, không còn thiếu thốn điều gì.
“Nhà đó rộng lớn” là dụ của tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), “một cửa” chính là con đường duy nhất để thoát ra ngoài – Phật thừa, hay Phật đạo. Nhiều người ở trong đó là hình ảnh của vô vàn chúng sinh, từ cõi trời, tới loài người, tới súc sinh, ngạ quỷ quanh quẩn trong tam giới.
“Lầu” dụ cho dục giới; “gác” dụ cho sắc giới, vô sắc giới; “hư mục” dụ cho sự vô thường, hoại diệt, biến đổi không thường trụ. “Tường vách” dụ cho tứ đại (đất, nước, gió, lửa). “Cột kèo, nóc mái” dụ cho vạn pháp thế gian (pháp hữu vi) không thể bền chặt.
“Xung quanh, cùng một lúc, lửa bổng nổi lên thiêu đốt căn nhà” là dụ của tam độc, của nạn khổ. Con người bị đốt bởi lửa tham, sân, si, bởi sinh, già, bệnh, chết, cầu chẳng được, thương yêu phải xa lìa, ghét phải gặp nhau, năm uẩn không hòa hợp gây ra ốm đau, bệnh tật. Khắp nơi bị thiêu đốt bởi vô thường, mâu thuẫn, tan ra, nhân duyên chia tách,…
Các con của ông trưởng giả là dụ cho các bậc thanh văn, duyên giác, chúng đệ tử quy y, biết cha mình, nhưng không biết theo cha mình, chỉ lo vui đùa, ham chơi, coi thường nhân quả.
Sự chưa hiểu biết, ham mê chơi đùa của đám con chính là vô minh, là phiền trược, là tham ái thế gian.
Thân, tay của ông trưởng giả dụ cho trí, tri kiến của Phật, dùng vạt áo, bàn ghế là phương tiện mà nói pháp. Cho tới nói việc đáng sợ, nhà đã cháy hãy ra ngoài là dụ cho lời giáo hóa của đức Phật, mong chúng sinh hiểu rõ mà tu tập.
Kinh Diệu pháp Liên hoa sử dụng hình ảnh các loại xe đại diện cho các phương pháp tu, mỗi người có một pháp môn ưa thích riêng, người hành theo bố thí Bồ tát đạo, người quán 12 nhân duyên, người ẩn cư, người tu pháp Bắc truyền,… vì lẽ đó mà người “cha” nói tới nhiều loại xe quý giá.
Các con nghe lời cha nói vậy nên tìm đường ra khỏi nhà lửa. Chúng sinh cũng nên biết cõi đời đầy khổ đau để không còn ham mê chấp trước vào đó nữa. Kinh thí dụ để giáo hóa chúng sinh truy cầu diệt khổ, chế phục kiến hoặc, tư hoặc, tu tập kiên định, chứng được tri kiến Phật.
2. Vì sao vị trưởng giả đó của cải giàu có vô lượng?
Vì ông trưởng giả khi còn trẻ đã thực hiện lục độ đức hạnh, bảy Bồ đề phần, Bát chính đạo và chứng được bốn Vô biện ngại.
Lục độ đức hạnh (6 điều đức hạnh)
(1) Bố thí (tài thí, pháp thí, vô úy thí), (2) trì giới, (3) tinh tấn, (4) nhẫn nhục, (5) thiền định, (6) quán chiếu trí tuệ.
Bố thí là sự cho đi, trong đó gồm có 3 loại bố thí: Bố thí tài vật, tiền của, vật chất được gọi là tài thí; giảng nói pháp, dạy người làm thiện, khuyên bỏ ác, chia sẻ kinh điển, lập pháp hội,... gọi là pháp thí; khiến người từ hoang mang, sợ hãi trở nên an yên gọi là vô úy thí.
Bảy Bồ đề phần (Bảy phần của con đường giác ngộ)
Bảy Bồ đề phần hay biết tới với tên "Thất giác chi" tức 7 chi của sự giác ngộ, gồm có:
(1). Trạch pháp giác phần: “Trạch” là sự lựa chọn, trạch pháp là sử dụng trí tuệ lựa chọn pháp giữa chính pháp và tà pháp, pháp phù hợp căn cơ.
(2). Tinh tấn giác phần: Y theo pháp môn chân chính mà kiên định tu tập.
(3). Hỉ giác phần: Hoan hỉ mà tu trong chính pháp.
(4). Trừ giác phần: Đoạn trừ từng phiền não, từng kiến hoặc.
(5). Xả giác phần: Giúp đỡ nhưng xả bỏ tâm mong đền đáp; xả bỏ tâm hận thù; xả bỏ tâm bất thiện.
(6). Định giác phần: Chuyên định vào tâm xả, tâm giải thoát. Khi có tâm sân, tán loạn xuất hiện, sử dụng trừ giác phần, xả giác phần và định giác phần để đối trị.
(7). Niệm giác phần: Niệm niệm đều ghi nhận, không phóng vọng tưởng.
Bát chính đạo
(1). Chính kiến: Cái thấy chính tri, chính kiến bằng trí tuệ quán sát.
(2). Chính tư duy: Tư duy, suy nghĩ chân chính, không hại mình, không hại người, không hại chúng sinh.
(3). Chính ngữ: Không nói dối, không nói 2 chiều, không nói đâm chọc, không nói thô ác.
(4). Chính nghiệp: Không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp (hành động chân chính vì lợi ích chung).
(5). Chính mạng: Không kinh doanh phi pháp, phi nhân tính để nuôi thân như làm sòng bạc, buôn bán người, sát sinh,… (hại mình, hại người hoặc chúng sinh - nuôi thân một cách đúng đắn).
(6). Chính tinh tấn: Kiên định thực hành pháp thiện, xả bỏ pháp ác.
(7). Chính niệm: Quán sát, ghi nhận từng niệm hiện hữu, không cố nắm giữ khi một niệm đi qua.
Bốn vô biện ngại (Bốn sự không bị trở ngại)
(1). Từ vô biện ngại: Ngôn từ khéo léo, biết chọn lọc để làm chúng sinh khởi lòng tín tâm.
(2). Pháp vô biện ngại: Hiểu mọi pháp thông suốt, không gì không biết.
(3). Nghĩa vô biện ngại: Nghĩa lý nắm vững, mọi pháp đều có thể giảng thuyết.
(4). Lạc thuyết vô biện ngại: Thuyết pháp biết sự phương tiện thí dụ với từng hạng căn cơ giúp mọi chúng sinh đều hiểu, thuyết pháp ngày đêm không mỏi mệt.
Còn nữa...
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo: Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 1), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.