Kinh doanh kém tại Việt Nam, Lotte Mart gồng mình chịu lỗ, E-mart và GS25 chuyển hướng kinh doanh

Do cạnh tranh gay gắt với các siêu thị nội địa, các ông lớn bán lẻ đến từ Hàn Quốc như Lotte Shopping (Lotte Mart), Shinsegae (E-mart) và GS Retail (GS25) đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém tại Việt Nam.

Lotte Mart gồng mình chịu lỗ

Hồi năm 2018, Lotte Mart Việt Nam cho biết, theo báo cáo tài chính qua kiểm toán của PwC Vietnam, đến cuối năm 2017, chuỗi siêu thị Hàn Quốc lỗ 35,08 triệu USD trong 11 năm hoạt động tại Việt Nam. “Chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ bắt đầu có lợi nhuận trước năm 2020”, ông Jeong Seong Won, Giám đốc Tài chính Lotte Mart Việt Nam khi đó tự tin chia sẻ.

Lotte sau đó tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, thông tin về tình hình kinh doanh những năm sau đó không được tập đoàn công bố. Tuy nhiên, theo tờ Koreatimes, trong quý III năm nay, thương hiệu Lotte Mart Việt Nam đã ghi nhận khoản lỗ 1,69 triệu USD, làm dấy lên nghi vấn về chuỗi thua lỗ liên tục của Lotte từ khi đặt chân vào Việt Nam năm 2008.

Lotte đang vận hành 14 siêu thị ở Việt Nam, sau khi đóng cửa Lotte Mart Đống Đa, siêu thị lớn nhất tại Hà Nội với quy mô lên tới 20.000 m2 sau hơn 7 năm hoạt động. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lotte Mart cố gắng đẩy mạnh các hình thức đặt và mua hàng trực tuyến thông qua ứng dụng SpeedL nhưng vẫn không hiệu quả và ít được khách hàng biết đến.

Tại Indonesia, trong quý vừa rồi, chuỗi bán lẻ Lotte cũng ghi nhận khoản lỗ tương tự 1,69 triệu USD, trong khi có đến 49 cửa hàng.

E-mart chuyển hết cổ phần cho THACO, nhắm thị trường Mỹ

Chuỗi siêu thị E-mart của Shinsegae, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, đã gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 12 năm 2015 nhưng gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô do không xin được giấy phép. E-mart quyết định bán cổ phần trong liên doanh với Tập đoàn THACO và chỉ nhận phí bản quyền theo hợp đồng nhượng quyền chính.

Sau khi chuyển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thành một hệ thống nhượng quyền, E-mart nhắnm chuyển hướng sang thị trường Mỹ. E-mart đã bắt đầu mua lại năm thương hiệu siêu thị ở Mỹ và có kế hoạch mở cửa hàng quản lý trực tiếp ở Los Angeles trong năm tới.

"Chúng tôi sẽ củng cố hoạt động kinh doanh tại Mỹ với các siêu thị địa phương đã tiếp quản. Ở đó quy định ít hơn và sức mua cao hơn", một lãnh đạo của E-mart cho biết.

E-mart hiện đang vận hành 51 cửa hàng tại Mỹ và sẽ mở thêm 10 cửa hàng nữa vào năm 2022. Gần đây, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Shinsegae, Chung Yong-jin cùng Giám đốc điều hành E-mart Kang Heui-seok đã đến Mỹ để kiểm tra hoạt động bán lẻ, theo Koreatimes.

Hiệu suất kinh doanh của E-mart tại Mỹ đang được cải thiện. Công ty con tại Mỹ, PK Retail Holdings, trong quý III đã thu được lợi nhuận 5,3 tỷ won, so với khoản lỗ 1,2 tỷ won cùng kỳ năm ngoái.

GS25 sẽ chỉ nhượng quyền kinh doanh

GS Retail, một gã khổng lồ bán lẻ khác của Hàn Quốc đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, ghi nhận khoản lỗ ròng liên tục tăng lên, từ 2 tỷ won vào năm 2018 lên 6 tỷ won hiện nay.

Ba năm trước, GS gia nhập thị trường Việt Nam cũng bằng cách liên doanh với một công ty trong nước, nhưng đến nay vẫn không thu được lợi nhuận. Một lý do được đưa ra là do cạnh tranh với thương hiệu cửa hàng tiện lợi VinMart, theo nguồn tin của Koreatimes.

GS Retail rút kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam và gia nhập các thị trường khác chỉ qua hình thức ký hợp đồng nhượng quyền. Tháng 9/2020, Tập đoàn đã ký hợp đồng nhượng quyền chính thức với Shunkhlai Group (Mông Cổ). GS cũng đang tìm một đối tác kinh doanh tương tự ở Malaysia.

Sân chơi bán lẻ cho các thương hiệu nội địa

Được đánh giá cao về tiềm năng phát triển, thị trường Việt Nam ngày càng có nhiều người chơi tham gia, khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ai cũng có tham vọng lớn. Bên cạnh các thương hiệu nước ngoài như Aeon Mall (Nhật Bản), Tops Market, Go! và Mega Market (Thái Lan), các thương hiệu nội địa ngày càng nổi bật, gồm có CoopMart/CoopFood, VinMart/ WinMart (thuộc Tập đoàn Masan) và Bách Hóa Xanh. Mới đây nhất, Tập đoàn Nova chuyên về bất động sản, cũng lấn sân sang mảng bán lẻ, với chuỗi cửa hàng tiện lợi mang tên Nova Retail.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của Thế Giới Di Động đặt tham vọng là “đến 7 năm nữa sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt” và dự báo Bách Hóa Xanh có thể tăng trưởng 50% - 70% những năm tới.

Tháng Mười vừa qua, Thaco cho biết đã hoàn tất mua lại toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của E-mart và kỳ vọng có thể mở rộng quy mô chuỗi siêu thị lên 10 cửa hàng tại Đông Nam Á trong bốn năm tới.

The CrownX, công ty con của Tập đoàn Masan, sở hữu chuỗi VinMart và có 5,5 % cổ phần tương đương 400 triệu USD vốn nước ngoài, đặt mục tiêu 30 - 50 triệu khách hàng, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại từ 1% lên gần 25%, đồng thời sở hữu 10.000 cửa hàng tự điều hành và 20.000 cửa hàng ủy quyền trong 5 năm tới.

Minh Nhật

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-doanh-kem-tai-viet-nam-lotte-mart-gong-minh-chiu-lo-e-mart-va-gs25-chuyen-huong-kinh-doanh-post168242.html