Kinh doanh thuốc online chỉ cho phép với thuốc không kê đơn

Chiều 21-11, với 426 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 88,94% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: Quốc hội Media

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: Quốc hội Media

Dự thảo luật sau khi chỉnh lý gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 2 khoản và 1 điều của Luật Dược hiện hành, bổ sung 3 điều mới; Điều 2 sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15; Điều 3 về Điều khoản thi hành.

Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật hiện hành về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục, thời hạn cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc...

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã làm rõ các khái niệm: dược liệu (bao gồm cả vị thuốc cổ truyền) là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, nấm và đạt tiêu chuẩn làm thuốc.

Thuốc cổ truyền là thuốc có thành phần từ một hoặc nhiều dược liệu được phối ngũ theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian và được chế biến, bào chế theo phương pháp y học cổ truyền, có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại. Vị thuốc cổ truyền là dược liệu được sơ chế, chế biến theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian để sản xuất, bào chế thuốc cổ truyền.

Sinh phẩm (còn gọi là thuốc sinh học) là thuốc được sản xuất bằng công nghệ hoặc quá trình sinh học từ chất hoặc hỗn hợp các chất cao phân tử có nguồn gốc sinh học, bao gồm cả vi sinh vật, dẫn xuất của máu và huyết tương người. Sinh phẩm không bao gồm sinh phẩm chẩn đoán in vitro, kháng sinh và chất có nguồn gốc sinh học có phân tử lượng thấp có thể phân lập thành những chất tinh khiết.”…

Về kinh doanh thuốc, theo quy định của luật, việc kinh doanh thuốc qua phương thức thương mại điện tử được bán thuốc không kê đơn. Còn thuốc kê đơn được bán online trong trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Luật cũng quy định cấm bán online với thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

Cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, website có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Cùng với đó, các đơn vị phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo mật thông tin của người mua.

Về quản lý giá thuốc (giải thích từ ngữ tại các khoản 44, 45, 46 và 47 Điều 2 sửa đổi; các điều 107, 109, 110, 112 và 113 sửa đổi; bãi bỏ Điều 114), tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trong việc quy định biện pháp công bố giá bán buôn dự kiến áp dụng đối với thuốc kê đơn. Đây là biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc do thuốc kê đơn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường, được sử dụng nhiều tại cơ sở y tế và người bệnh phải mua theo chỉ định của thầy thuốc.

Bên cạnh đó, quy định Bộ Y tế kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến với cơ sở kinh doanh thuốc để hạn chế tăng giá thuốc qua mỗi tầng, nấc trung gian và đội giá lên cao khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, giữ quy định hiện hành về thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

T.Hải (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/kinh-doanh-thuoc-online-chi-cho-phep-voi-thuoc-khong-ke-don-abb5e6e/