Kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm cho lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

Bạn đọc Lê Thị Hồng ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm cho lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 5 Thông tư số 58/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm cho lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được quy định như sau:

1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.

 Lao động người dân tộc thiểu số được nhận hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN.

Lao động người dân tộc thiểu số được nhận hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN.

2. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách Trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

3. Nguồn lồng ghép kinh phí đào tạo thường xuyên, các chương trình (trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dự án khác trên địa bàn để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

4. Đối với đơn vị sử dụng lao động hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nếu phương án tự chủ của đơn vị đã bao gồm dự toán chi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số thì đơn vị không được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 điều này.

* Bạn đọc Hoàng Minh Phương ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, hỏi: Theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 65 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể như sau:

Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm sau đây:

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của luật này và pháp luật có liên quan;

2. Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo;

3. Vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/kinh-phi-ho-tro-dao-tao-bao-hiem-cho-lao-dong-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-tai-khu-vuc-mien-nui-vung-dac-biet-kho-khan-682195