Kinh tế tập thể và tiềm năng phát triển du lịch

Du lịch không phải là lĩnh vực truyền thống với thành phần kinh tế tập thể (KTTT) bởi trong vòng 3 năm nay, toàn tỉnh mới có HTX - đơn vị nòng cốt của KTTT - hoạt động chuyên về lĩnh vực này. Mặc dù số lượng ít nhưng hoạt động của các HTX du lịch cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Trang trại dâu tây của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB là điểm tham quan của du khách khi tới cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN

Trang trại dâu tây của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB là điểm tham quan của du khách khi tới cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN

Xuất phát ấn tượng

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 2 HTX chuyên hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy hoạt động thời gian ngắn nhưng HTX đã có sản phẩm du lịch đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Theo Liên minh HTX tỉnh, so với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng… thì du lịch là lĩnh vực mới với thành phần KTTT. Hơn 10 năm qua, toàn tỉnh chưa có HTX nào chuyên hoạt động lĩnh vực này. Cho đến năm 2020, việc HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ (HTX An Mỹ) ở huyện Tuy An đi vào hoạt động chính thức đánh dấu sự tham gia của KTTT vào lĩnh vực du lịch. Tiếp đến đầu năm nay, trong số HTX toàn tỉnh mới ra đời có 1 đơn vị thuộc lĩnh vực du lịch. Đó là HTX Nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Ea Bar (huyện Sông Hinh).

Chỉ sau gần 1 năm hoạt động, sản phẩm Du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng tại Mộc Miên Rocky Garden của HTX An Mỹ đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh (năm 2021). Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX này cho biết: Mô hình du lịch này đơn vị đã ấp ủ và từng bước định hình từ 5-10 năm trước khi thành lập. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất với hệ thống homestay từ TP Tuy Hòa đến huyện Tuy An cùng nền tảng công nghệ số, đồng thời liên kết sản xuất với các hộ nông dân và các đơn vị có sản phẩm nông sản đặc trưng đạt chứng nhận OCOP. Cuối cùng, chúng tôi chọn mô hình HTX với mong muốn đồng hành, chia sẻ lợi nhuận với bà con nông dân. Cùng với sự khởi sắc của ngành Du lịch sau đại dịch, hoạt động du lịch của HTX đã và đang thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước.

Cũng với mục tiêu cùng cộng đồng thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, HTX Nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Ea Bar ra đời. Theo ông Đàm Ngọc Phi, Chủ tịch HĐQT HTX này, xã Ea Bar nói riêng và huyện Sông Hinh nói chung có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: cảnh quan tự nhiên với thác nước, không gian núi đồi, rừng cây và khí hậu ôn hòa đặc trưng cùng văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, chưa có nhiều đơn vị khai thác những tiềm năng này. Vì vậy, HTX chọn du lịch làm hướng hoạt động để vừa góp phần thay đổi phương thức sản xuất tại địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa tạo điều kiện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Đưa du lịch vào chuỗi hoạt động

Thành phần KTTT còn ghi nhận nhiều HTX phục vụ phát triển du lịch cũng như có hoạt động du lịch trong chuỗi các dịch vụ. Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh có từ 10-15 đơn vị KTTT có liên quan tới dịch vụ du lịch. Đó là HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) liên kết với Sông Ba Farmstay đưa hoạt động sản xuất trở thành một phần của chuỗi du lịch nông nghiệp trải nghiệm tại làng nghề trồng rau hoa Bình Ngọc; tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại (huyện Đồng Xuân) gắn với hoạt động du lịch văn hóa làng nghề Xí Thoại. Hay HTX Dịch vụ vận tải khách du lịch Quốc Bảo (huyện Tuy An) có hoạt động vận tải chuyên phục vụ khách du lịch… Một số HTX đưa hoạt động du lịch trở thành một phần trong chuỗi, nhóm chuỗi giá trị nông sản gồm: HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (huyện Sơn Hòa) ngoài sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, HTX này còn có dịch vụ du lịch nghe nhạc trải nghiệm không gian núi rừng cao nguyên Vân Hòa; HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) với hoạt động du lịch trải nghiệm tại vùng khóm truyền thống Đồng Din; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài (huyện Phú Hòa) có hoạt động du lịch nông nghiệp trải nghiệm việc chăm sóc và thu hoạch trái cây…

Theo ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài, đơn vị triển khai mô hình du lịch miệt vườn để giới thiệu tiềm năng cây ăn trái của xã Hòa Quang Bắc đi muôn nơi; đồng thời góp phần tạo thêm sự đa dạng cho du lịch nông nghiệp trải nghiệm của tỉnh…

Việc tích hợp thêm các hoạt động dịch vụ vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi đúng. Một số HTX Nông nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ đơn giá trị sang sản xuất nông nghiệp đa giá trị. Cách làm này phát huy tối đa các tiềm năng, giá trị sẵn có để tạo ra các giá trị gia tăng cho hoạt động nông nghiệp thuần túy, góp phần tái đầu tư, nâng cao trình độ canh tác… Trên địa bàn tỉnh, ngoài các đơn vị, doanh nghiệp thì các HTX cũng bắt đầu tham gia tích cực vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Tuy số lượng HTX tham gia chưa nhiều nhưng đã có mặt ở cả miền núi, đồng bằng lẫn vùng biển. Sự góp sức của các HTX vừa tạo thêm lực lượng thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng đa giá trị vừa góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn…

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn

BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281261/kinh-te-tap-the-va-tiem-nang-phat-trien-du-lich.html