Kinh tế tư nhân nâng tầm sản phẩm 'made in Hà Tĩnh'
Nhiều sản phẩm của Hà Tĩnh do khối kinh tế tư nhân, hộ sản xuất đã tham gia sâu rộng vào chuỗi thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hà Tĩnh hiện có hơn 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó khoảng hơn 97% là doanh nghiệp tư nhân và có hơn 53.000 hộ sản xuất – kinh doanh. Lực lượng này đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế, tham gia sản xuất đa dạng sản phẩm: nhóm thủ công mỹ nghệ, nhóm chế biến nông - lâm - thủy hải sản và thực phẩm, nhóm sản phẩm sản phẩm công nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn…
Thay đổi nhận thức, mạnh dạn đầu tư nguồn lực, hạ tầng, công nghệ cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo lực đẩy để khối kinh tế tư nhân xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm Hà Tĩnh vươn ra thị trường nội địa và tham gia chuỗi xuất khẩu. Hàng loạt sản phẩm “made in Hà Tĩnh” như: dược phẩm, chè (trà) nguyên chất, gạo, sợi, bao bì, thủy sản, dăm gỗ… đã có mặt tại nhiều quốc gia, trong đó có những thị trường “khó tính” như: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Sản phẩm bê tông trộn sẵn của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu được chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3118:2022.
Đi vào hoạt động từ năm 2017, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (CCN Bắc Cẩm Xuyên) cho ra đời hàng loạt sản phẩm công nghiệp vật liệu xây dựng như: gạch không nung Trần Châu (gạch xây, gạch lát Terazo), cấu kiện đúc sẵn (cống hộp, cống tròn), bê tông trộn sẵn… Các dòng sản phẩm này được sản xuất đồng nhất theo công nghệ Đức, Hàn Quốc và Italia, được công nhận tiêu chuẩn quốc gia, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Bắc Trung Bộ. Mặt hàng vật liệu xây dựng chủ lực của công ty đã phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Bà Trần Thị Thanh – Kế toán trưởng Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu cho biết: "Với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp vật liệu xây dựng ngay tại Hà Tĩnh, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy theo công nghệ tiên tiến. Chúng tôi đã được ngành Ngân hàng cho vay vốn ưu đãi đầu tư, được tỉnh tạo điều kiện cho thuê đất và hỗ trợ kinh phí đầu tư công nghệ theo Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND về phát triển thị trường khoa học công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo... Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thuận lợi. Nửa đầu năm 2025, đơn vị đạt doanh thu gần 80 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2024. Những đơn hàng truyền thống và đối tác mới ký kết tại nhiều tỉnh, thành trong nước sẽ tạo lực đẩy để doanh nghiệp về đích mục tiêu doanh thu năm 2025 gần 140 tỷ đồng".
Hà Tĩnh nổi tiếng với sản phẩm dược phẩm được sản xuất từ Công ty CP Dược Hà Tĩnh (HADIPHAR). Đây là doanh nghiệp tư nhân trực tiếp sản xuất, cung ứng sản phẩm đông dược và tân dược ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Dược phẩm Hà Tĩnh đã được xuất khẩu đi khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc HADIPHAR: Là doanh nghiệp khoa học công nghệ, HADIPHAR tập trung nguồn lực đầu tư nhà máy sản xuất với dây chuyền thiết bị hiện đại, tự động hóa và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, sáng chế các loại thuốc chất lượng cao. Vượt qua nhiều thách thức, HADIPHAR đã trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường dược phẩm Việt Nam; mở rộng mạng lưới phân phối trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, doanh thu đạt trên 500 tỷ đồng/năm.
Trên cơ sở tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, Công ty CP Chè Hà Tĩnh đã xây dựng lộ trình, chủ động liên kết vùng nguyên liệu phục vụ dây chuyền sản xuất chè (trà) nguyên chất. Với nguồn nguyên liệu sạch được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap cùng với dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại, sản phẩm chè (trà) nguyên chất Hà Tĩnh đã được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia. Không chỉ chinh phục thị trường nội địa, chè (trà) nguyên chất Hà Tĩnh đã được nhiều thị trường ưa chuộng như: Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ...
Điều phấn khởi là chuỗi liên kết của Công ty CP Chè Hà Tĩnh không chỉ "giải bài toán" về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Năm 2025, Công ty CP Chè Hà Tĩnh đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 2.300 tấn chè. Tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã xuất khẩu sản lượng chè đạt giá trị 2,73 triệu USD, tăng khoảng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2024.

Công ty CP Chè Hà Tĩnh liên kết vùng nguyên liệu sạch phục vụ dây chuyền sản xuất.
Ở khu vực nông thôn, khối kinh tế tư nhân đã đưa nông sản, đặc sản Hà Tĩnh vươn lên tầm cao mới nhờ quá trình chế biến. Những nông sản địa phương như: lúa, lạc, vừng, đậu, thủy hải sản... đã được các doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư máy móc chế biến thành sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế. Ngoài ra, đặc sản của Hà Tĩnh, nhất là nhung hươu đã được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thành các sản phẩm giàu dinh dưỡng với giá thành cao. Hà Tĩnh hiện có hàng trăm sản phẩm OCOP cấp tỉnh và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia; trong đó chủ thể sản xuất đa phần ở khối kinh tế tư nhân.
Trong nền kinh tế số, không chỉ tập trung cho quá trình sản xuất, chế biến, doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể còn quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh đã mở rộng thị trường, được quảng bá sâu rộng qua các sàn thương mại điện tử như: voso, postmart, sendo, shopee… Các sản phẩm OCOP 3, 4 sao do khu vực kinh tế tư nhân sản xuất đã tham gia xuất khẩu như: bánh ram Anh Thu (phường Hà Huy Tập) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; bánh ram Nam Chi (phường Trần Phú), xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; cu đơ Bà Hường (xã Hương Sơn) xuất khẩu sang thị trường Anh…

Hà Tĩnh có nhiều nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu do doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, sát sườn, sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất – kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch, mở rộng quy mô hoạt động, nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng kinh tế tư nhân thông qua các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, hạ tầng, khoa học công nghệ, tiếp cận vốn vay “giá rẻ”… để thuận lợi cho quá trình thâm nhập sâu vào nền kinh tế thị trường.
Đồng hành cùng khối kinh tế tư nhân về mặt thị trường, xúc tiến thương mại, Sở Công thương Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất – kinh doanh trên địa bàn trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do; phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục lựa chọn, mời gọi một số doanh nghiệp có uy tín trong nước tham gia khảo sát và ký kết xuất khẩu đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh…