Kỳ 1: Những người 'tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết'

Mất việc khi tuổi đã cao, không có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo… là những rào cản của nhiều người lao động trong thời buổi 'thóc cao, gạo khó'. Trước cảnh thu nhập không có, thị trường lao động lại cạnh tranh, nhiều người lao động phải nhắm mắt chấp nhận công việc không phù hợp hoặc bế tắc, loay hoay tiếp tục tìm kiếm cơ hội...

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) - Giải pháp căn cơ cho người lao động

LTS: Lao động phổ thông chiếm quy mô rất lớn trong lực lượng lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm này cũng gặp khó khăn trong tìm việc, một phần nguyên nhân chính do thị trường tuyển dụng cạnh tranh, và người lao động cũng chưa tiếp cận được các thông tin tuyển dụng chính thống.

Cùng với đó, theo các báo cáo, nhu cầu tìm việc làm của nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên khá cao, tuy nhiên, lao động ở độ tuổi này có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động. Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề, khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV được kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách để giải quyết những vấn đề này.

 Một lao động tự do mưu sinh bằng xe ổi trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: N.D

Một lao động tự do mưu sinh bằng xe ổi trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: N.D

Lao động trẻ bấp bênh vì không bằng cấp

Nhắn cho tôi sau vài năm mất tích từ đợt Covid-19, N.Q.N (sinh năm 1990, Yên Bái), người dân tộc Mường thông báo hiện cô lại làm công nhân xây dựng tại một dự án tại tỉnh Bắc Ninh. Công việc vất vả, làm không kể ngày đêm nhưng tiền nhận lại được cũng chỉ đủ cô chi tiêu tằn tiệm rồi gửi về quê phụ giúp ông bà, nuôi con đi học.

“Không có bằng cấp, cũng chẳng có nghề nghiệp thì biết làm gì chị ơi. Ở quê làm ruộng thì không đủ ăn nên em lại lên trên này làm “nghề cũ”” – N.Q.N nói bởi trước đó, thời điểm Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, cô là một trong những người lao động ở các công trường mắc kẹt tại khu đô thị An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội).

Nhắc lại câu chuyện thời Covid-19, cô cho biết cô vẫn không quên những ngày đêm đi bộ từ Hà Nội về Yên Bái. “Tiền không còn một xu, vì thời điểm giãn cách bọn em không nhận được đồng nào từ chủ thầu xây dựng. Trên đường đi hầu hết dựa vào những miếng bánh mỳ, miếng cơm do người dân dọc đường cho…” – N kể.

N cho biết, đến hiện tại, mức lương của cô cũng không khá hơn thời điểm năm 2021 là bao nhiêu, nhưng có còn hơn không, vì những người không bằng cách, không chứng chỉ đào tạo như các cô không có quyền đòi hỏi về công việc. Có muốn bám quê để sống cũng không được…

Không vất vả như N, nhưng chị N.T.T (sinh năm 1979, Long Biên, Hà Nội) hiện đang làm ở 1 bếp ăn công nghiệp tại khu công nghiệp Sumi (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, công việc vất vả, đồng lương không tương xứng nhưng chị không có sự lựa chọn.

“Làm ở đó đầu tắt mặt tối, nóng nực… nhưng tháng cũng chỉ được 6 – 7 triệu đồng. Nếu chịu khó tăng ca thì còn kiếm thêm được một chút. Nhưng tăng ca có nghĩa không có thời gian nghỉ…” - chị T nói.

Gia đình chị T có 2 vợ chồng và 2 cậu con trai. Chồng chị trước là công nhân xây dựng nhưng do tai nạn xây dựng nên ở nhà nghỉ mất sức nhiều năm nay. Dĩ nhiên vì là lao động tự do nên chẳng có bảo hiểm, thương tật hay mất sức thì ở nhà nhờ vợ chứ làm gì có chế độ gì. Hai cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi học nên nhà 4 miệng ăn trông cả vào đồng lương chị kiếm được.

“Để lo đủ chi tiêu trong nhà hàng ngày tranh thủ thời gian rỗi tôi phải đi làm thêm các việc khác như lau dọn nhà theo giờ. Có thế mới có thể đủ tiền trang trải trong gia đình” – theo chị T.

Không chứng chỉ nghề, không bằng cấp, chị T cho rằng có một công việc đó là một may mắn. Cũng có lúc chị muốn chuyển việc tương tự, đó là vào làm bếp ăn ở một trường mẫu giáo tư thục.

“Tuy nhiên người ta yêu cầu bằng cấp mà cái đó mình không có vậy nên đành chấp nhận xập xí xập ngầu ở đây”.

Những người như chị T, chị N không hiếm. Không bằng cấp chứng chỉ, không qua đào tạo nghề… mặc dù không muốn nhưng những người lao động vẫn phải chấp nhận các công việc cực nhọc với mức lương hạn chế. Và hình ảnh dòng người rời bỏ thành phố trở về quê vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy rõ tình trạng bấp bênh của nhóm lao động phi chính thức – khu vực có việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.

“Tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết”

Từng có gần 15 năm làm công nhân cho 1 xí nghiệp sản xuất giày da nhưng do kinh tế khó khăn, công ty không có đơn hàng, phải cắt giảm nhân sự, chị T.T.H (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) rơi vào cảnh thất nghiệp ở tuổi 43. Chị H đã tham gia rất nhiều ngày hội tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm và đã nộp đơn xin việc vào rất nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn chưa trúng tuyển do không đáp ứng được yêu cầu.

“Đa số công ty hiện nay cần sử dụng máy móc nhiều, yêu cầu trình độ, kỹ năng sử dụng, vận hành. Hơn nữa, đa phần các công ty giờ tuyển ít nhất cũng dưới 40. Như tuổi của tôi giờ đã thuộc lớp người… chờ về hưu nên bây giờ rất khó tìm việc” - chị H nói.

Không có việc đồng nghĩa với không có thu nhập. Việc trông chờ vào đồng lương ba cọc ba đồng của người chồng đang làm bảo vệ cho 1 công ty khiến nhiều lúc chị H thấy bế tắc. Mong mỏi có 1 việc làm với thu nhập ổn định với chị theo chị là quá khó.

Cũng tương tự, chị N.B (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cũng rơi vào cảnh thất nghiệp ở tuổi 46. Trước đây, chị B làm nhân viên bán hàng cho 1 cửa hàng tiện ích, nhưng khi cửa hàng phải đóng cửa do suy thoái thì chị cũng mất việc. Từ khi dừng việc ở chỗ cũ, chị đã đi xin việc rất nhiều nơi, nhưng đa phần các điểm tuyển dụng đều yêu cầu độ tuổi dưới 45.

“Cũng có lúc tôi nghĩ hay kiếm cái gì đó mà buôn thúng bán mẹt, dù không biết có làm được không nhưng cũng hơn ở nhà không có nguồn thu. Ở cái tuổi chưa hẳn già cũng không còn trẻ mong được đi làm mà khó quá…” - chị B than.

Cũng theo chị, có lúc chị đã nghĩ đến chuyện đi học 1 nghề nào đó. Nhưng rồi lại nghĩ mình tuổi đã cao, nên chị lại ngậm ngùi bỏ cuộc. “Tôi nghĩ mình vẫn còn sức để cống hiến, vẫn còn sức để làm việc mà giờ ở nhà ăn không ngồi rồi, không có nguồn thu cũng thấy không đành” – chị B bộc bạch.

Còn nữa

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-nhung-nguoi-tuoi-huu-chua-den-tuoi-nghe-da-het-401719.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayndexmjeymzi2mju=&secureurl=48