Kỳ cuối: Giữ chân học trò bằng tình thương và trách nhiệm

Người Raglay vốn thật thà. Cô giáo thương con họ, họ xem cô giáo như người nhà. Công an thương họ, họ xem công an là điểm tựa. Những đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta xuất phát từ sự quan tâm thiết thực dành cho đồng bào dân tộc đã được bà con tin tưởng chấp hành. Tầm quan trọng của cái chữ cũng vì thế đi sâu vào ý thức hệ của người Raglay, giúp họ từng bước vươn lên xóa nghèo bền vững.

Khó khăn thử thách lòng kiên trì

Với người Raglay, cái nghèo đã hằn sâu trong tâm khảm của biết bao thế hệ buôn làng. Bà con muốn thoát nghèo đâu chỉ trông chờ vào việc phá rừng, đốt củi, mà bắt buộc phải tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ mới. Và muốn được vậy, điều kiện tiên quyết là đồng bào người Raglay phải tinh thông con chữ.

Chuyện của cô Mang Thị Lan - giáo viên người đồng bào Raglay thuộc Trường Tiểu học Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) - là một minh chứng cho hành trình thoát nghèo nhờ con chữ. Mẹ mất sớm, khi một bên là đường lên nương, còn khuất sau quả đồi là đường đến lớp thì hành trang đi tìm con chữ của cô Lan dường như là điều phi thực tế đối với tập tục của bà con nơi đây. Nhưng bằng tất cả sự cố gắng của bản thân và sự đùm bọc, giúp đỡ của các thầy, cô giáo người Kinh cùng chính quyền địa phương, đường đến lớp tưởng chừng gian truân của cô gái trẻ đầy nghị lực đã hái được quả ngọt xứng đáng. Tốt nghiệp cử nhân ngành Sư phạm, Mang Thị Lan tình nguyện ở lại buôn làng để cống hiến, dựng xây, tiếp tục hành trình gieo kiến thức và ước mơ cho thế hệ mai sau của người Raglay.

Nhờ sự đổi mới hiệu quả của ngành Giáo dục, học sinh Raglay đã biết sử dụng máy vi tính

Nhờ sự đổi mới hiệu quả của ngành Giáo dục, học sinh Raglay đã biết sử dụng máy vi tính

Rõ nét hơn là trường hợp cô Mấu Thị Hiệu - giáo viên Trường Trung học cơ sở Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn). Cũng từng là cô gái trẻ thoát nghèo nhờ con chữ, nhưng sự trêu ngươi của số phận vẫn đưa Hiệu đi hết thử thách này qua chông gai nọ. Cách đây hơn 1 năm, Hiệu bất ngờ phát hiện bị khối u ác tính ở giai đoạn 2B. Với tổng cộng 8 lần hóa trị và 25 lần xạ trị, sau nhiều phen gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần từ căn bệnh quái ác, Hiệu mới được các bác sĩ chúc mừng khi mầm bệnh đã được khống chế. Sức chịu đựng của Hiệu thật phi thường, nhưng "nếu không nhờ sự quan tâm đãi ngộ, giúp đỡ của ngành Giáo dục và các thầy, cô đồng nghiệp... chắc em không thể đủ sức chiến đấu với bệnh tật" - cô Hiệu chia sẻ.

Quả thực sức mạnh của con chữ có thể thay đổi số phận của bất kỳ ai! Giờ đây, con chữ đã từng bước giúp người Raglay dần thoát khỏi cái nghèo một cách bền vững.

Quyết sách đúng, ưng bụng người Raglay!

Nhiều năm trước, tỉnh Khánh Hòa chủ trương xây dựng các điểm trường ngay trong cộng đồng người Raglay. Qua một thời gian, khi các điểm trường bắt đầu xuống cấp và đối diện với sự phát triển xã hội, buộc ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa phải nghĩ khác: Làm sao để con em người đồng bào Raglay tiếp cận nhanh, hiệu quả, thực chất kiến thức của ngành đã trở thành mục tiêu tiên quyết. Cuối cùng, các cấp đã thống nhất đổi mới: Không nhất thiết phải đưa con chữ vào buôn bản mà có thể "kéo" trẻ em người Raglay đến học ở các trường của người Kinh để có thể hòa nhập nhanh hơn.

Bài toán khó lập tức được đặt ra: Làm sao giữ vững sĩ số học sinh mỗi ngày, thay vì các thầy, cô giáo cứ phải liên tục đến các buôn làng vận động? Đưa ra lời giải, Nhà nước lập tức hỗ trợ tiền ăn cho các hộ gia đình có học sinh đến lớp. Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ nói chung và trước đó là Nghị quyết 17/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Khánh Hòa nói riêng khi ra đời đã nâng cấp, bồi dưỡng cả về vật chất lẫn tinh thần với giáo viên cùng học sinh vùng cao, giúp chất lượng dạy - học ở địa bàn đặc thù này đạt hiệu quả ngày càng cao.

Các chiến sĩ Công an tỉnh Khánh Hòa luôn động viên các em học tập

Các chiến sĩ Công an tỉnh Khánh Hòa luôn động viên các em học tập

Vừa có con chữ lại được no cái bụng, người Raglay đã ủng hộ chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Sau những ngày đầu còn rụt rè, khi đã thích nghi, các em nhỏ người đồng bào lập tức hòa nhập. Từ chỗ còn bập bẹ đánh vần, đến nay mới ở cấp tiểu học, các cháu đã biết viết văn, làm các phép toán và cả học Tin học trên máy vi tính. Đó là minh chứng cho thấy quyết sách đúng đắn đã mang đến thành công. "Có Nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho con rồi thì tôi ưng bụng cho cháu nó đi học kiếm cái chữ" - một phụ huynh người Raglay tâm sự.

"Học bổng gạo"

Nghe chúng tôi hỏi về nỗi lo lớn nhất của các trường, thầy cô và cả Phòng GD-ĐT huyện Khánh Vĩnh hiện nay, thầy Lê Minh Trung - Trưởng phòng - nói ngay là "lo học sinh đồng bào dân tộc ít người bỏ học". Ông chia sẻ, hàng năm cứ vào tháng 9 là nhà trường, thầy cô giáo các cấp phải lo vận động học sinh đến lớp, vận động phụ huynh cho con em ra lớp; còn lúc các em đi học thì lại lo giữ để không em nào bỏ lớp, bỏ trường.

Hiện nay cả huyện miền núi Khánh Vĩnh có hơn 11.000 học sinh các cấp, từ mầm non đến trung học cơ sở, trực thuộc Phòng GD - ĐT huyện. Cũng theo thầy Trung, hiện nay chuyện nghỉ lớp, bỏ học ở cấp mầm non và tiểu học không còn đáng lo nữa, nhờ chính sách ưu ái của tỉnh Khánh Hòa để cấp học bổng, lo cơm trưa, phát sữa (cho trẻ mầm non) suốt cả năm cho các em. "Đáng lo nhất là chuyện bỏ học của con em đồng bào dân tộc ở huyện Khánh Vĩnh hiện nay thường ở cấp trung học cơ sở. Vì ở tuổi này, các em đã biết đi làm mướn nên nhiều em quyết định nghỉ, bỏ học để đi làm, xảy ra nhiều ở các xã Khánh Đông, Khánh Trung. Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh - cũng canh cánh nỗi lo khi ở một số xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như Khánh Phú, Khánh Hiệp, Sơn Thái..., với các gia đình nghèo, gặp khó khăn quá họ phải đi làm mướn, làm thuê và không cho con em đi học nữa. Một số em khác nghỉ và bỏ học là do phải theo gia đình, cha mẹ rời địa phương đi làm ăn xa. Với những trường hợp này, Ban Giám hiệu và các thầy cô đã phối hợp với các xã vận động để các em đến lớp trở lại theo những lớp phổ cập, bổ túc trung học cơ sở. Công việc ấy đã trở thành nhiệm vụ thường niên và vì cả tình thương dành cho học trò.

Về chính sách đãi ngộ để khuyến khích học sinh đồng bào dân tộc miền núi đến lớp, tỉnh Khánh Hòa đã có cách làm riêng và được khởi xướng, thực hiện, duy trì, tăng dần chế độ ưu đãi từ hơn 20 năm nay. Khi ấy, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thông qua chính sách cấp gạo cho tất cả học sinh đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh khi đi học. Ban đầu, mỗi học sinh đến lớp sẽ được cấp 10kg gạo/tháng. Thời đó còn nhiều khó khăn nên tình trạng học sinh dân tộc ở miền núi của Khánh Hòa bỏ học đã được ngăn chặn, giảm hẳn.

Một bữa ăn trưa của học sinh đồng bào dân tộc tại điểm trường A Xây thuộc Trường Tiểu học Khánh Nam (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) Ảnh: CAO THỊ VŨ

Một bữa ăn trưa của học sinh đồng bào dân tộc tại điểm trường A Xây thuộc Trường Tiểu học Khánh Nam (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) Ảnh: CAO THỊ VŨ

Nhiều năm sau này và đến nay, "học bổng gạo" đã được thay bằng tiền, dành cho học sinh tất cả các cấp theo nhiều mức, nhiều cách khác nhau. Riêng học sinh mầm non ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh hiện nay còn được tỉnh Khánh Hòa tăng cường thêm chính sách "sữa học đường" từ nguồn ngân sách tỉnh, đủ cả 5 ngày đi học/tuần.

Vì tương lai thế hệ trẻ, nhất là các em đồng bào dân tộc, với quyết tâm phải vận động, đưa học sinh trở lại trường bằng mọi giá, cán bộ chiến sĩ Công an các địa phương miền núi đã cùng thầy cô giáo lặn lội đến từng thôn, bản vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín, phụ huynh đưa con em đến lớp... Sự nỗ lực chung của toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ thầy cô giáo và đoàn viên, thanh niên Công an đã giúp thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh miền núi, hành trình đưa con chữ lên vùng cao vì thế cũng bớt nhọc nhằn hơn.

Đoàn chúng tôi rời buôn khi con đèo Chín Cụm mờ ảo trong màn sương đêm. Trăng thượng tuần nhô qua ngọn đồi vừa lúc chiếc xe chở chúng tôi "bò” lên đỉnh đèo, như đưa những vị khách phương xa lạc vào cổ tích của rừng thiêng. Ánh sáng vằng vặc ôm lấy cả cánh rừng, soi tỏ từng nhánh thông đang co mình trong giá lạnh. Tiếng côn trùng rỉ rả đờn ca bên đám sậy, ru lòng người vào khoảnh khắc của bình yên.

Lúc này, chúng tôi chợt nhớ về sự nghĩa hiệp của người thành phố, mảnh đất nghĩa tình ấm áp sự đùm bọc, yêu thương. Đêm nay, dù những dòng cuối của phóng sự đã hoàn thành, nhưng trái tim chúng tôi vẫn đang ở lại với buôn làng, thổn thức chung nhịp đập với những mảnh đời cần lắm sự đùm bọc, tiếp sức, chở che...

Nhóm phóng viên

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giao-duc-huong-nghiep/ky-cuoi-giu-chan-hoc-tro-bang-tinh-thuong-va-trach-nhiem_171366.html