Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa XVII: Phiên thảo luận tại tổ dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm

Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu tập trung trí tuệ, nghiên cứu và thẳng thắn trao đổi, thảo luận sôi nổi, dân chủ, có tính xây dựng cao, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực và quan trọng vào các nội dung trình tại kỳ họp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 9/12, các đại biểu chia 3 tổ thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết (NQ) trình tại kỳ họp.

Đại biểu thảo luận về các báo cáo, dự thảo nghị quyết.

Đại biểu thảo luận về các báo cáo, dự thảo nghị quyết.

Các đại biểu bày tỏ vui mừng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), đảm bảo quốc phòng, an ninh. Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự đồng hành của HĐND tỉnh cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tình hình KT - XH của tỉnh tiếp tục ổn định, tăng trưởng, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, với nhiều điểm sáng.

Các đại biểu cũng cho rằng, báo cáo cần bổ sung, làm rõ, đúng, trúng hơn, mạnh dạn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đối với các dự thảo nghị quyết, các đại biểu cơ bản đồng thuận, cho rằng việc ban hành là cần thiết phù hợp với bối cảnh chung, tình hình địa phương và có tính khả thi cao.

Đại biểu Bế Xuân Tiến.

Đại biểu Bế Xuân Tiến.

Đại biểu Bế Xuân Tiến cho rằng: Xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP là những chương trình trọng tâm phát triển KT - XH khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị,trực tiếp tác động tích cực đến việc tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, góp phần vào phát triển KT - XH địa phương. Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH giai đoạn 2020 - 2025 đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Nghị quyết số 50/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Để thực hiện hiệu quả các chương trình trên đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, người dân nỗ lực và doanh nghiệp vào cuộc, cần tập trung bám sát mục tiêu của nghị quyết, đưa ra những giải pháp cụ thể phù hợp với ngành, địa phương. Vấn đề duy trì và phát triển sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, cần làm rõ trách nhiệm của các ngành. Đại biểu nhấn mạnh việc phát triển mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sự cấp thiết của việc phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh trong năm 2025 cần được quan tâm, đẩy mạnh. Báo cáo của UBND tỉnh cần đánh giá, làm rõ thêm các giải pháp cụ thể để phát triển hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với thực tiễn địa phương.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thư.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thư.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thư: Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP thuộc 4 nhóm sản phẩm (gồm 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm OCOP 3 sao), mặc dù số lượng sản phẩm đạt được tương đối so với kế hoạch UBND tỉnh đã đề ra nhưng năm 2024 chưa rõ đạt được cụ thể bao nhiêu sản phẩm, có đảm bảo lộ trình hằng năm hay không, chất lượng, mẫu mã cũng như mức tiêu thụ của cá sản phẩm đạt OCOP hiện nay như thế nào? Đề nghị cần làm rõ, sâu hơn phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển hiệu quả sản phẩm OCOP trong thời gian tới, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay tại các trường học chưa đảm bảo là một thực tế đáng lo ngại, hàng hóa bày bán san sát khu vực trường học. Mặc dù các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục học sinh về vấn đề an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên, rất khó kiểm soát việc học sinh sử dụng các sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, quản lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học.

Cùng với đó, đại biểu cho biết công tác an toàn giao thông học đường đang được ngành giáo dục phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng tăng cường. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận học sinh và cả phụ huynh còn hạn chế,chưa chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông như: đưa đón hoặc “vô tư” tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm cho con em mình. Một khi ý thức, thái độ của phụ huynh chưa chuyển biến, không làm gương cho chính con em mình thì sẽ rất khó cho các trường trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Trước thực tế trên, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả nhà trường, sự phối hợp của phụ huynh và toàn xã hội cùng thực hiện hiệu quả nội dung này, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn hóa giao thông học đường.

Đại biểu Dương Hùng Dũng.

Đại biểu Dương Hùng Dũng.

Đại biểu Dương Hùng Dũng: Với những nỗ lực của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm qua đã được cải thiện, song việc thu hút đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn, số dự án (DA) được chấp thuận chủ trương đầu tư đạt thấp (2 DA, ít hơn 4 DA và bằng 2,7% vốn đăng ký so với năm 2023). Báo cáo của UBND tỉnh cần đánh giá rõ hơn về nội dung này, làm rõ những nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến với tỉnh.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp, không có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, còn 2 huyện “trắng xã nông thôn mới”. Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, một số chỉ tiêu phấn đấu cao hơn nhiều so với thực tế hiện nay, khó có thể đạt được, như: thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 60 triệu đồng/người/năm (cao hơn năm 2024 là gần 15 triệu đồng/người/năm); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11%; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm ít nhất 13 xã; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%... Đề nghị giải trình làm rõ những căn cứ, tính khả thi trong việc đề ra các chỉ tiêu đó và giải pháp chủ yếu thực hiện.

Đại biểu Hoàng Thị Bình.

Đại biểu Hoàng Thị Bình.

Đại biểu Hoàng Thị Bình: Kết quả phát triển KT - XH năm 2024 bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển kinh tế nông nghiệp còn nhiệu hạn chế, chưa khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn này rất là thấp so với giai đoạn trước. Việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; việc hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm còn thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai. Tỉnh cần có nhiều cơ chế, biện pháp để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, đặc biệt là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, đặc hữu của địa phương.

Đại biểu nhấn mạnh: Đầu tư choa khoa học công nghệ chính là "chìa khóa" để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cũng như dành nguồn lực, đầu tư kinh phí cho việc thực hiện cũng như nhân rộng những đề tài khoa học đã được triển khai và có hiệu quả trong thực tiễn.

Đại biểu Tô Vũ Ninh.

Đại biểu Tô Vũ Ninh.

Đại biểu Tô Vũ Ninh: Báo cáo KT - XH của UBND tỉnh cần bổ sung, làm rõ, đúng, trúng hơn về một số hạn chế như sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao. Cần báo cáo chi tiết về công tác xây dựng nông thôn mới, tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh… Đại biểu cũng lưu ý về tốc độ triển khai các DA xây dựng trên địa bàn Thành phố còn chậm tiến độ, chậm triển khai, nhiều DA đã có trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, gây bức xúc cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Cần rà soát quy hoạch và có định hướng cụ thể đối với các DA đầu tư để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết xử lý đối với những DA chậm tiến độ, nếu quy hoạch không có tính khả thi thì dỡ bỏ; đồng thời cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Đại biểu Nông Văn Phong.

Đại biểu Nông Văn Phong.

Đại biểu Nông Văn Phong: Hiện nay, huyện Bảo Lâm gặp khó khăn trong bố trí vốn thực hiện thực hiện các DA ổn định dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân ở những vị trí có nguy cơ sạt trượt cao, hiện một số hộ dân vẫn đang ở tạm nhà bạt do chưa có mặt bằng. Mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho huyện để thực hiện các DA.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri huyện Bảo Lâm nhiều lần kiến nghị về việc cấp điện lưới quốc gia tại các xóm, xã chưa có điện, bởi đây là nhu cầu cấp thiết nhằm làm thay đổi, nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay chưa xác định được nguồn vốn để thực hiện cấp điện lưới quốc gia tại địa phương. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư thực hiện xây dựng các DA để cấp điện lưới cho các hộ dân, góp phần vào thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, phục vụ phát triển KT- XH, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Đại biểu cũng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo sớm đầu tư một số DA nâng cấp đường giao thông, cấp nước sạch tại huyện Bảo Lâm; giải quyết vấn đề ranh giới giữa các huyện giáp ranh của các tỉnh.

Nhóm phóng viên Điện tử

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ky-hop-thu-26-hdnd-tinh-khoa-xvii-phien-thao-luan-tai-to-dan-chu-soi-noi-thang-than-trach-nhiem-3174106.html