Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ diễn ra từ 20/10-19/11/2022

Chiều ngày 15/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về dự kiến nội dung Kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung: Trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Đồng thời, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; trình Quốc hội xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

Các báo cáo (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về: Việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Tiến độ hoàn thành một số dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chính phủ đề nghị rút: Báo cáo việc thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVIPA). Vì tính đến nay, Hiệp định này chưa có hiệu lực do chỉ có 12/27 các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định). Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi Hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện.

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 01 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp tục bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 3 như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên Truyền hình Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)...

Ngoài ra, bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy đầu tiên và cuối cùng để kết thúc kỳ họp sớm hơn, dành thời gian cho hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc.

Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 23,5 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ năm (ngày 20/10/2022), dự kiến bế mạc vào sáng thứ bảy (ngày 19/11/2022) và dự phòng chiều ngày 19/11/2022.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-hop-thu-4-cua-quoc-hoi-se-dien-ra-tu-2010-19112022-220130.html