Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH Hà Nam tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự án luật
Sáng 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp ở hội trường nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18.
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng nêu ý kiến: Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp công nghệ thông tin, vì vậy để dự án luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghệ thông tin; nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật Công nghệ thông tin vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; hoặc sau khi luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật Công nghệ thông tin để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin.
Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong luật một số chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, như chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết tạo hệ sinh thái.
Đối với quy định về tài sản số (Chương II, mục 3), tài sản số là vấn đề mới, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Tại khoản 3, Điều 12 quy định "tổ chức, cá nhân Việt Nam nghiên cứu và phát triển, sản xuất, cung cấp và sở hữu sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu bán, xuất khẩu, chuyển giao sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu cho đối tác nước ngoài phải được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Nghĩa vụ xin chấp thuận này sẽ tạo ra một thủ tục hành chính mới, gây phiền hà cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang có hoạt động liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu. Những doanh nghiệp này, nhất là doanh nghiệp FDI có thể đã và đang hợp tác với các đối tác nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp sau này phải xin phép để bán, xuất khẩu, chuyển giao các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị gián đoạn, gây gia tăng chi phí tuân thủ. Ngoài ra, quy định này có thể làm hạn chế đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giới hạn phạm vi áp dụng của nghĩa vụ xin chấp thuận liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu tại khoản 3, Điều 12 đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền đã đóng một số ý kiến về việc xem xét tên gọi của luật; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; nguyên tắc quản lý hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp; về đầu tư bổ sung vốn; về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước...
Về đầu tư bổ sung vốn tại Điều 22 và Điều 28 của dự thảo luật, tại khoản 1, Điều 22 dự thảo quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước sử dụng ngân sách đối với các dự án quan trọng quốc gia thì đối với các doanh nghiệp còn lại cần quy định rõ hơn thẩm quyền trong việc quyết định chủ chương đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp theo hướng: Đối với Chính phủ thì thẩm quyền quyết định chủ chương đầu tư vốn đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và sử dụng nguồn đầu tư vốn từ ngân sách Trung ương.
Đối với các doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là các địa phương (UBND tỉnh, thành phố) quyết định thành lập và đầu tư vốn từ nguồn ngân sách địa phương thì cần phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc đầu tư vốn, bổ sung vốn điều lệ và giao cho UBND tỉnh, thành phố quyết định định chủ trương đầu tư bổ sung vốn và kế hoạch đầu tư vốn vào doanh nghiệp; các tỉnh, thành phố được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư vốn, đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính.
Về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước quy định tại Điều 59 dự thảo Luật. Trên thực tế, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được thực hiện đồng bộ. Có doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định công bố thông tin, nhưng cũng không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc như không công bố, công bố chậm. Điều này làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ công bố thông tin này. Có thể cân nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.