Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Nghiên cứu, bổ sung quy định chính sách trao đổi dữ liệu số

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23-11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra 2 dự án luật: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về 2 dự án luật trên. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7 cũng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đồng Nai.

Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nhằm góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN); đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển, hình thành quá trình xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại “phương thức sản xuất số” và mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nhất trí với việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời đóng góp một số ý kiến như: Nghiên cứu lại quy định tại khoản 4 Điều 6 dự thảo luật nhằm tránh tạo rào cản cho doanh nghiệp khi luật có hiệu lực thi hành; nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm đóng góp xã hội của doanh nghiệp.

Về các chủ thể liên quan đến quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, trách nhiệm của các chủ thể liên quan cần được tường minh, nhưng không nhất thiết quy định quá cụ thể, chi tiết trong dự thảo luật nhằm tránh vướng mắc khi thi hành.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, dự thảo luật chỉ nên tập trung vào các quy định nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh; duy trì, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Ban soạn thảo rà soát các nội dung liên quan đến dữ liệu để tránh chồng chéo và đảm bảo phù hợp với Luật Dữ liệu (đang được trình tại Kỳ họp thứ 8).

Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá, có tiếp thu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới về quản lý tài sản số để hoàn thiện các quy định về vấn đề quản lý, phân loại và phát hành các loại tài sản số và các quy định liên quan đến quyền về tài sản; nghiên cứu, bổ sung quy định về các hình thức sở hữu dữ liệu, chính sách trao đổi, mua bán dữ liệu, đặc biệt là chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, quy trình khai thác, quản lý dữ liệu số.

Thu Hoài

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202411/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-nghien-cuu-bo-sung-quy-dinh-chinh-sach-trao-doi-du-lieu-so-d6c0f4b/