Ký kết hợp tác cho vay gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, chiếm trên 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp lớn cho GDP và tạo ra hơn 55% việc làm cho xã hội.
Lễ ký Hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa diễn ra tại Hà Nội mở đầu trong quan hệ đối tác giữa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng TMCP Việt Á. Đồng thời, tăng cường kết nối, hướng tới mục tiêu trở thành đối tác toàn diện của nhau, đảm bảo hợp tác lâu dài, trên cơ sở dựa vào lợi thế của các bên để cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững theo định hướng của Đảng và Chính phủ.
Đây là hoạt động hợp tác giữa SMEDF và VietABank để thúc đẩy việc thực hiện cho vay gián tiếp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 45/2024/NĐ-CP, ngày 26/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu tại lễ ký, ông Phạm Xuân Kiên, Chủ tịch HĐTV SMEDF cho biết: Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, chiếm trên 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp lớn cho GDP và tạo ra hơn 55% việc làm cho xã hội.
Nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
“Đây là luật đầu tiên ở nước ta về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật được xây dựng và ban hành nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ, qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Phạm Xuân Kiên khẳng định.
Theo Chủ tịch SMEDF, việc ký kết hợp tác giữa 2 bên là sự mở đầu trong quan hệ đối tác giữa Quỹ và VietABank, đồng thời nhằm tăng cường kết nối, hướng tới mục tiêu trở thành đối tác toàn diện của nhau, đảm bảo hợp tác lâu dài, trên cơ sở dựa vào lợi thế của các bên để cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững theo định hướng của Đảng và Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Quyền Tổng Giám đốc VietABank cho biết: Tính đến cuối tháng 11/2024, tổng tài sản của VietABank đã đạt 120.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng vào khoảng 80.000 tỷ đồng.
Trong năm qua, VietABank đã triển khai một số gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Mới đây nhất, VietABank đã triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất chỉ 5%/năm nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực cho phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động các nguồn lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển nền kinh tế đất nước.
Mục đích hoạt động của Quỹ là giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp…Điều này nhằm phát huy toàn bộ tiềm năng, tăng cường tính cạnh tranh, củng cố vị thế trên thương trường; thông qua đó tạo tiền đề cho nền kinh tế đất nước tăng trưởng ổn định.