Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên

Chiều 18/7, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (21/7/2014 - 21/7/2024).

 Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Vườn Quốc gia Hoàng Liên; đại diện một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Sa Pa; lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên qua các thời kỳ.

Dự lễ kỷ niệm còn có đại diện Tổ chức Động vật châu Á, Hội Động vật học London (Anh), Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD), Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam; Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường (Lai Châu).

 Đồng chí Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên ôn lại quá trình 10 năm thành lập, phát triển đơn vị.

Đồng chí Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên ôn lại quá trình 10 năm thành lập, phát triển đơn vị.

Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên ôn lại quá trình 10 năm thành lập và phát triển. Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh Lào Cai, trực thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tiền thân là Tổ thực hiện dự án Cứu hộ, bảo tồn động thực vật Vườn Quốc gia Hoàng Liên (năm 2009). Trung tâm có chức năng cứu hộ và bảo tồn động - thực vật hoang dã; nhân giống động - thực vật và tư vấn khoa học - kỹ thuật về cứu hộ, bảo tồn; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu, giáo dục và bảo tồn đa dạng sinh học.

Sau 10 năm hoạt động, đối với công tác cứu hộ thực vật, trung tâm đã tiếp nhận 11 vụ, với 71.239 cây thuộc 8 loài; trồng thử nghiệm 56.756 cây thông đỏ (cứu hộ năm 2015) tại Bắc Hà, Bát Xát và Sa Pa. Cùng với đó, trung tâm đã thực hiện bảo tồn 4.788 cây thuộc 111 loài, trong đó có 11 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, 4 loài thuộc IUCN, 5 loài trong CITES. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện phát triển 189.062 cây sơn tra, 1.750 cây lê, 785 cây mận tây, 670 cây mận hậu, 445 cây mận Tả Van, 14.000 cây đào.

Đối với công tác cứu hộ động vật, trung tâm đã tiếp nhận 239 vụ với 647 cá thể, trong đó có nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm trong nhóm I, nhóm II theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ; tỷ lệ cứu hộ thành công trên 90%; tái thả 367 cá thể thuộc 83 loài động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Trong công tác hợp tác quốc tế, trung tâm đã hợp tác với Hội Động vật học London, Bảo tàng Quốc gia Australia, Chương trình bảo tồn rùa châu Á để khảo sát khu hệ lưỡng cư và bò sát tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Qua đó đã phát hiện 2 loài lưỡng cư chỉ có ở Vườn Quốc Hoàng Liên, nhiều loài được ghi nhận. Đến nay, trung tâm đã định danh được khu hệ lưỡng cư Vườn Quốc gia Hoàng Liên gồm 88 loài thuộc 9 họ, trong 2 bộ…

 Các đơn vị tặng hoa chúc mừng Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Các đơn vị tặng hoa chúc mừng Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, trung tâm đã hợp tác với Viện Dược liệu (Bộ Y tế) triển khai dự án trồng sâm Ngọc Linh; thu thập, nhân giống và bảo tồn loài cây thất diệp nhất chi hoa, sâm vũ diệp, sâm Lai Châu; trồng và nhân giống cây hà thủ ô đỏ, cây tục đoạn, cây đỗ quyên, cây bình vôi; trồng thử nghiệm cây cát cánh.

Cùng với đó, trung tâm tiến hành 45 cuộc điều tra thu thập thông tin về các loài bướm, đã thu được 400 mẫu bướm thuộc 70 loài; ứng dụng khoa học vào chăn nuôi nhím bờm, gà ác, lợn đen bản địa bàn giao cho người dân phát triển kinh tế.

Trung tâm đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường; tổ chức chương trình tìm hiểu về động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

 Trao danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Trao danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Trong thời gian tới, trung tâm xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, chăm sóc và tái thả động vật hoang dã.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học; khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, tham gia và chia sẻ lợi ích từ các nguồn lợi về du lịch sinh thái, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo tồn động - thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ về mọi mặt, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiếp tục làm tốt hoạt động nghiên cứu, nhân giống và phát triển các loài cây quý hiếm, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; xây dựng vườn thực vật thu nhỏ, bảo tồn các loài cây quý hiếm.

Xây dựng khu vực bán hoang dã để chăm sóc một số loài động vật bảo tồn; tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhất việc tiếp nhận, chăm sóc, chữa trị và huấn luyện động - thực vật.

Nhân dịp này, một số tập thể và cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác.

 Tặng Giấy khen của Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Tặng Giấy khen của Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ky-niem-10-nam-ngay-thanh-lap-trung-tam-cuu-ho-bao-ton-va-phat-trien-sinh-vat-hoang-lien-post387174.html