Ký quỹ kinh doanh du lịch: Quy định bất hợp lý

Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 1.900 doanh nghiệp lữ hành nội địa, gần 4.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế… Như vậy, mức ký quỹ tương ứng theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP và Luật Du lịch, lần lượt từ 300 tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng. Mục đích ký quỹ nhằm giải quyết rủi ro của du khách, nhưng các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch cho rằng, việc ký quỹ là không hiệu quả, chỉ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp!

Du khách vui chơi tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NGỌC CHI

Du khách vui chơi tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NGỌC CHI

Như “đóng hụi chết”…

Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết mức ký quỹ hiện tại tạo nhiều áp lực, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng. Một doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho biết, quy định việc ký quỹ là bảo đảm cho du khách khi doanh nghiệp không có tiền mặt chi trả trong trường hợp khách gặp nạn, rủi ro... Tiền ký quỹ gửi tiết kiệm tại ngân hàng, trước đây theo lãi suất không kỳ hạn, còn hiện nay giống như gửi tiết kiệm, nhưng lãi suất quá thấp.

Thêm nữa, luật không cho phép doanh nghiệp sử dụng tiền ký quỹ (bị đóng băng) để vay vốn ngân hàng và nếu rút ra bồi thường tai nạn cho khách thì 30 ngày sau phải bù đắp đủ, nếu không sẽ bị rút giấy phép kinh doanh lữ hành. Đối với các doanh nghiệp du lịch lớn thì thì tiền ký quỹ này không thấm vào đâu. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính quy định này làm khó doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vì bị chôn vốn. Trong khi đó, trên thực tế có những doanh nghiệp hoạt động chui, không đóng ký quỹ như trường hợp EuTourist cách nay chưa lâu. Công ty này đã thu hàng tỷ đồng tổ chức đưa khách đi du lịch Trung Quốc, sau đó lãnh đạo công ty bỏ trốn, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý. Không chỉ bất cập ở mức tiền ký quỹ, doanh nghiệp lữ hành còn bị “hành” đủ kiểu khi muốn thay đổi mức ký quỹ sau.

Chị H.L, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại quận 1, TPHCM, bức xúc kể: “Tôi thay đổi ký quỹ từ 500 triệu đồng xuống còn 100 triệu đồng mà bị hành tơi bời, phải đi về liên tục giữa TPHCM - Hà Nội, cụ thể là đến Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Trước đó, tôi nộp đơn, đóng tiền online, gửi hồ sơ ra Hà Nội, nhưng không được thay đổi với lý do không nộp giấy xác nhận ký quỹ bản gốc, dù bản nộp có sao y công chứng”.

Nên mua bảo hiểm du lịch bắt buộc

Là một doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành tại TPHCM, ông Nguyễn Minh Quang cho biết, các quy định trong Luật Du lịch 2017 cũng như các văn bản dưới luật có những ràng buộc chặt chẽ hơn trước, điển hình là quy định bắt buộc doanh nghiệp mua bảo hiểm du lịch cho khách (trước đây chỉ khuyến khích mua). “Rõ ràng quy định đóng tiền ký quỹ là dư thừa khi bảo hiểm du lịch đã thay doanh nghiệp đền bù cho khách. Do vậy, nên bỏ quy định ký quỹ du lịch và tăng ràng buộc về hạn mức đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp có trách nhiệm mua những gói bảo hiểm cao hơn thay vì mua các gói có hạn mức thấp”, ông Nguyễn Minh Quang đề xuất.

Ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng, mục đích của ký quỹ du lịch tương tự với các quy định về bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, trong Luật Du lịch cũng quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch. Đồng thời, Luật Du lịch cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch phải mua bảo hiểm cho khách du lịch theo phương tiện vận tải. Như vậy, khi vận chuyển khách du lịch, chủ các phương tiện vận chuyển phải bắt buộc mua bảo hiểm cho khách du lịch.

Như vậy, khi xảy ra sự cố, du khách đã mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm chi trả, còn tiền ký quỹ không có ý nghĩa gì! Mặt khác, với mức ký quỹ cao nhất 500 triệu đồng, khi xảy ra rủi ro (tai nạn, chết…) cần phải đưa nạn nhân về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp, thì không đảm bảo mức chi phí để xử lý. Chưa kể, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cùng một thời điểm có thể tổ chức du lịch cho nhiều đoàn khách khác nhau. “Như vậy, quy định về tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hiện nay không đảm bảo để bảo vệ quyền lợi của khách du lịch như mục đích ban đầu, cũng không là giải pháp kịp thời trong những tình huống thực tế”, ông Trần Tường Huy chỉ ra bất cập.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí góp ý, nên bỏ tiền ký quỹ, thay vào đó là buộc doanh nghiệp lữ hành phải mua bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp làm lớn, nguy cơ nhiều, nếu phá sản thì bảo hiểm đền bù tương xứng. “Ông nào làm ăn ma mãnh, đơn vị bảo hiểm làm sao dám bảo lãnh. Còn doanh nghiệp đã có bảo hiểm phá sản và mua bảo hiểm cho khách du lịch thì đối tác làm ăn cũng không sợ quỵt nợ, khách du lịch gặp sự cố sẽ có bảo hiểm chi trả. Đây là ngành kinh doanh dịch vụ có điều kiện và có rủi ro nên việc mua bảo hiểm phá sản của doanh nghiệp là hợp lý”, ông Nguyễn Đức Chí cho hay.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-quy-kinh-doanh-du-lich-quy-dinh-bat-hop-ly-post741476.html