Lại nóng chuyện doanh nghiệp kêu chậm hoàn thuế VAT hàng trăm tỉ đồng

Nhiều thắc mắc về thủ tục hoàn thuế VAT của doanh nghiệp được Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế các tỉnh thành hướng dẫn, giải quyết ngay tại hội nghị đối thoại.

Ngày 27-9, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị đối thoại với người nộp thuế (NNT) của 05 tỉnh, thành phố, gồm: TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tham dự hội nghị có đại diện của trên 290 doanh nghiệp và người nộp thuế của 5 tỉnh, thành phố. Tại buổi Hội nghị đối thoại, nhiều doanh nghiệp tiếp tục gửi thắc mắc về thủ tục hoàn thuế phức tạp, chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, dòng vốn của doanh nghiệp.

Muốn hoàn thuế phải cung cấp họ tên tài xế, trọng tải, biển số, loại xe chở hàng

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Fococev Việt Nam (TP.HCM) ý kiến Cục Thuế TP.HCM thông báo thu số tiền đã hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) từ tháng 11-2018 đến tháng 5-2020 cho doanh nghiệp là 36,7 tỉ đồng (36 tiền thuế VAT và 700 triệu đồng tiền chậm nộp)và không được khấu trừ tính thuế là 127 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau đó cơ quan công an đã xác minh không có căn cứ xác định dấu hiệu hành vi xuất khống hàng hóa sang Trung Quốc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của công ty. Và khi công ty nộp khởi kiện thông báo không hoàn thuế VAT trên ra Tòa án Nhân dân TP.HCM, sau đó Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xử tuyên hủy các quyết định thu hồi hoàn thuế, buộc Cục thuế TP.HCM hoàn trả lại tiền thuế VAT đã thu hồi của công ty Fococev Việt Nam và giải quyết hoàn thuế VAT cho công ty.

Thế nhưng, sau phán quyết của tòa, hiện Cục Thuế mới chỉ thực hiện được 1 phần bản án, hoàn trả lại 36 tỉ đồng tiền thuế VAT, nhưng khoản 700 triệu đồng tiền chậm nộp của Fococev Việt Nam tự tính và nộp theo quyết định thu hồi hoàn thuế VAT của Cục Thuế TP.HCM thì chưa được trả lại.

 Đại diện công ty Fococev Việt Nam (cầm mic) nêu thắc mắc về thủ tục hoàn thuế VAT của doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại. Ảnh: QH

Đại diện công ty Fococev Việt Nam (cầm mic) nêu thắc mắc về thủ tục hoàn thuế VAT của doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại. Ảnh: QH

Ngoài ra, ông Phương cũng cho biết số tiền thuế VAT mà công ty hiện không giải quyết các hồ sơ hoàn thuế từ tháng 6-2020 đến nay lên tới khoảng 366 tỉ đồng. Cục Thuế đưa ra nhiều lý do không đúng quy định như yêu cầu công ty phải cung cấp chứng từ theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa của công ty từ nơi mua tinh bột sắn ra cửa khẩu biên giới như: họ và tên tài xế, số CMND/CCCD tài xế, thậm chí loại xe, số hiệu, trọng tải xe, số lượng xe, biển số xe… dẫn đến việc không giải quyết hoàn thuế VAT cho công ty.

Trả lời thắc mắc của công ty Fococev Việt Nam, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết yêu cầu Cục Thuế TP.HCM, chi cục thuế quận 1 làm việc ngay với doanh nghiệp để giải quyết theo quy định hoàn trả ngay khoản tiền chậm nộp 700 triệu đồng, và báo cáo kết quả buổi làm ngay sau buổi đối thoại cho Tổng cục Thuế.

Còn về với 29 hồ sơ có số tiền thuế VAT từ tháng 6-2020 đến nay lên tới khoảng 366 tỉ đồng của công ty Fococev Việt Nam, Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ kê khai - kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết Tổng cục thuế đã chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn doanh nghiệp cung cấp đủ hồ sơ chứng từ liên quan để đáp ứng điều kiện hoàn thuế VAT. “Liên quan đến hồ sơ hoàn thuế VAT 366 tỉ đồng đang chờ Tòa án xử, sau khi có bản án, cơ quan thuế cũng sẽ có kháng cáo. Cơ quan thuế phải dựa trên quy định pháp luật đủ điều kiện hồ sơ hoàn thuế VAT”- bà Hải chia sẻ.

 Quang cảnh Hội nghị đối thoại ngày 27-9. Ảnh: QH

Quang cảnh Hội nghị đối thoại ngày 27-9. Ảnh: QH

Đại diện Công ty TNHH Saigon PTS cho biết vướng mắc mà các công ty xuất khẩu khó hoàn thuế VAT phổ biến nhất là làm việc với những công ty nhưng sau đó một là công ty đó không còn hoạt động do kinh doanh khó khăn đóng cửa, hai là công ty thuộc danh sách công ty “ma” mua bán hóa đơn, chỉ cần 1 hóa đơn không hợp lệ thì không đủ điều kiện hoàn thuế VAT.

Theo công ty Saigon PTS, cơ quan thuế cần xem lại vấn đề này vì bản thân doanh nghiệp Saigon PTS làm ăn với một doanh nghiệp A nhiều năm, từ năm 2020 đến 2023 vẫn hoạt động bình thường, nhưng sau đó năm 2024 khó khăn bỏ địa chỉ kinh doanh.

“Một khó khăn khi làm việc với công ty nước ngoài, họ có nhiều tài khoản ngân hàng. Nay ký hợp đồng họ để tài khoản này, nhưng khi thanh toán họ lại chuyển bằng một tài khoản ngân hàng khác. Chính vì điều này cũng khiến doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế”- đại diện công ty kiến nghị.

Trả lời những thắc mắc của đại diện công ty Saigon PTS, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Tổng cục Thuế, cho biết khi DN nộp hồ sơ hoàn thuế VAT thì cơ quan thuế sẽ xét duyệt hồ sơ đủ điều kiện hoàn thuế VAT theo quy định. Đối với trường hợp doanh nghiệp có một số hóa đơn cơ quan thuế chưa xem xét thì Tổng cục Thuế sẽ trao đổi lại với các cơ quan thuế liên quan để thống nhất cách thức xử lý.

"Số tài khoản của công ty nước ngoài thanh toán chuyển khoản cho công ty Saigon PTS là một tài khoản khác trên hợp đồng xuất khẩu ban đầu của hai bên. Trong trường hợp này thì công ty Saigon PTS cần trao đổi với đối tác cung cấp giấy tờ chứng minh xác nhận số tài khoản khác đó cũng là số tài khoản của công ty thì cơ quan thuế mới đủ cơ sở để xử lý hoàn thuế VAT"- bà Hiền giải đáp.

Doanh nghiệp đặt hàng thêm đối thoại

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ hội nghị đối thoại Tổng cục Thuế rất sôi nổi, nhiều thắc mắc về thủ thuế, bất cập được giải quyết, cơ quan thuế cũng lắng nghe, tiếp thu góp ý để từ đó gỡ vướng, cải cách chính sách thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế.

Bà Nguyễn Hồng Uyên, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương nêu DN bị vướng hệ số K. Cụ thể, đơn vị khi xuất đi luôn nhận được email cảnh báo rủi ro và gửi cho khách hàng, điều đó đang gây khó khăn cho việc khách hàng thanh toán tiền. Khách hàng muốn bên cơ quan thuế phải có công văn trả lời rằng hóa đơn của Nam Dương không thuộc dạng rủi ro thì khách hàng mới thanh toán.

 Nhiều vướng mắc thuế của doanh nghiệp đã được giải đáp, gỡ vướng tại buổi đối thoại với Tổng cục Thuế. Ảnh: QH

Nhiều vướng mắc thuế của doanh nghiệp đã được giải đáp, gỡ vướng tại buổi đối thoại với Tổng cục Thuế. Ảnh: QH

Giải đáp về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng: “Qua tra cứu nhanh trên ứng dụng thì cũng được biết là về phía Công ty Nam Dương đang có những phần liên quan đến linh kiện điện tử máy tính và có phần nhập khẩu. Trong khi đó trên hệ thống ứng dụng hóa đơn của cơ quan thuế không có thông tin liên quan đến việc nhập khẩu những linh kiện này, nên đã dẫn đến cảnh báo hệ số K cho doanh nghiệp. Đối với cơ quan thuế không chỉ có thông tin doanh nghiệp đã kê khai trên các tờ khai thuế, mà còn có nguồn thông tin có từ các tờ khai đối với các cơ quan ngoài ngành thuế.

Qua đây, cơ quan thuế cũng ghi nhận ý kiến của DN và trong thời gian tới sẽ tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan hải quan theo hướng những thông tin mà chúng tôi phối hợp sẽ cập nhật kịp thời theo thời gian thực.

 Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Đại diện Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung Việt Nam thắc mắc về khoản tiền duy trì, tái tạo cơ sở hạ tầng quy định tại khoản này không phải kê khai, tính nộp thuế VAT và là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập.

Đề cập đến việc tháo gỡ vướng mắc này, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã đề nghị Cục Thuế TP.HCM có ý kiến để Ủy ban nhân dân TP.HCM có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Khoản 9 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 nêu trên. Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP có hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Mai Sơn cho biết mặc dù vẫn còn đó những vấn đề về chính sách, thủ tục hành chính và sự tuân thủ của doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước cần phải xem xét thấu đáo hơn, tuy nhiên buổi đối thoại đã mở ra một tinh thần cầu thị, lắng nghe và hợp tác giữa các bên.

"Trong những năm qua, với mục tiêu và phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế luôn nỗ lực, chú trọng đẩy mạnh cải cách thể chế chính sách thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, cung ứng các dịch vụ thuế điện tử và công cụ hỗ trợ tối đa giúp người dân, DN thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi, góp phần giảm thiểu chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng đối với tất cả các thành phần kinh tế và thực tiễn chuyển đổi số toàn diện, cải cách hành chính toàn diện đã chứng minh tinh thần trách nhiệm đó" - ông Mai Sơn nói.

Gia hạn, miễn, giảm thuế phí cho doanh nghiệp hơn 102.000 tỉ đồng

Đặc biệt, với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người nộp thuế vượt qua khó khăn, trước những hậu quả nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, ngành Thuế đã kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều giải pháp về thuế, đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từ năm 2019 đến nay. Điển hình, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng số tiền thuế, phí tiền thuê đất được gia hạn, miễn, giảm trong ước khoảng hơn 102.000 tỉ đồng.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/lai-nong-chuyen-doanh-nghiep-keu-cham-hoan-thue-vat-hang-tram-ti-dong-post812245.html