Lâm Đồng nỗ lực thu hồi vũ khí thô sơ
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều người dân tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ tự chế, chủ yếu dùng để săn bắn động vật hoang dã, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Vì vậy, chính quyền đã nỗ lực vận động người dân giao nộp.

Nhiều người dân tự nguyện đem vũ khí tự chế giao nộp.
Mất an ninh trật tự
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là các xã phía Tây, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vẫn còn tự chế hoặc mua bán trao đổi các loại vũ khí thô sơ, nhất là súng kíp và súng hơi các loại. Nhiều người biện bạch rằng dùng súng thô sơ để bắn thú rừng phá hoại mùa màng, bảo vệ hoa màu, cây lương thực và cải thiện bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân dùng các loại súng tự chế như: súng kíp, súng hơi… chủ yếu để săn bắn thú rừng. Việc người dân sử dụng vũ khí là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật. Hơn nữa người dân dùng súng để săn bắn trái phép cũng là việc vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Lực lượng công an tuyên truyền người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Tại một xã phía Tây tỉnh Lâm Đồng đã từng xảy ra vụ án chết người do “bắn nhầm” bạn đi săn. Cụ thể, vào tháng 1/2021, Hoàng Văn Chầu, trú tại xã Trường Xuân đi vào rẫy thăm bẫy thú và săn bắn thú rừng. Trong quá trình săn bắn, Chầu phát hiện có một đàn khỉ và một vật trông giống khỉ đang khuất phía sau tảng đá lớn, cách Chầu khoảng 30 m. Chầu đưa súng (loại súng kíp) lên hướng về phía tảng đá bóp cò. Sau khi nổ súng, Chầu đi đến tảng đá để kiểm tra thì phát hiện một người đàn ông bị trúng đạn nằm gục sau tảng đá, đầu đang chảy nhiều máu. Qua xác minh, người bị bắn là anh Lẩu Văn Vàng. Chầu tri hô và cùng một số người gần đó đưa anh Vàng đi cấp cứu, nhưng chưa ra đến Quốc lộ 14 thì nạn nhân đã tử vong.
Gần đây nhất, một nhóm thanh, thiếu niên ở xã Đức An, xã Quảng Tín đã mua thuốc súng trên mạng để chế thành pháo nổ, trong quá trình tự làm pháo đã gây tai nạn, khiến một số em bị thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Lực lượng công an thu nhận vũ khí tự chế người dân giao nộp
Vận động người dân giao nộp
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về việc vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (VK, VLN, CCHT và pháo). Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, chính quyền đã mở 3 đợt cao điểm vận động người dân giao nộp VK, VLN, CCHT và pháo. Trong năm 2024, người dân ở các xã phía Tây tỉnh Lâm Đồng đã giao nộp 1 khẩu súng quân dụng, 710 súng tự chế; 751 quả bom, mìn, lựu đạn; 155 vũ khí thô sơ, 7 CCHT. Đợt cao điểm từ 15/12/2024 đến 1/5/2025 thu hồi thêm 235 khẩu súng, 4 quả lựu đạn bom, mìn, 51 vũ khí thô sơ, CCHT.
Để có được kết quả trên, tháng 5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đã gửi Thư kêu gọi vận động các tầng lớp Nhân dân, tự nguyện giao nộp VK, VLN, CCHT và pháo. Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp với chính quyền các địa phương đã tổ chức 45 buổi tuyên truyền tập trung, hơn 17.000 người tham dự. Tại nhiều địa phương, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an các xã đã mang tờ rơi đến tận rẫy nương, hộ dân, khu vực trường học, hội nghị để tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí. Quá trình vận động, lực lượng công an và các tổ chức, đoàn thể chính quyền địa phương phối hợp với các già làng, người có uy tín ở các thôn buôn, bon tăng cường tuyên truyền. Một số địa phương còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người tự giao nộp VK, VLN, CCHT và pháo. Nhờ vậy, nhiều người dân đã tự nguyện giao nộp vũ khí các loại.
Bên cạnh đó, lực lượng công an còn tổ chức cho hơn 1.510 hộ dân ký cam kết “không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo”; 229 nhà xe cam kết không chở vũ khí.

Lực lượng công an tiêu hủy vũ khí người dân giao nộp
Tổ chức tiêu hủy, xử lý
Sau khi tiếp nhận vũ khí, người dân tự nguyện giao nộp, lực lượng công an và chính quyền các địa phương đã tổ chức tiêu hủy. Những năm qua, lực lượng công an đã tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện những đối tượng mua bán, tàng trữ vũ khí, linh kiện sản xuất súng. Lực lượng công an cũng đã khởi tố hàng chục vụ mua bán vận chuyển VK, VLN và pháo các loại. Song song với hoạt động này, việc thường xuyên vận động người dân giao nộp VK, VLN, CCHT và pháo đã hạn chế nguy cơ tai nạn, ngăn chặn tình trạng sử dụng vũ khí tự chế gây chết người; giảm xung đột, bảo đảm an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.
Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng, dù công tác vận động người dân giao nộp vũ khí đạt được nhiều kết quả song nguy cơ VK, VLN “trôi nổi” vẫn còn, tỉnh cần duy trì hoạt động này đều đặn. Cùng với việc tiếp tục vận động, khuyến khích người dân giao nộp, cần tăng cường các buổi nói chuyện tại trường học, trên đường giao thông, rẫy nương, khu vực đông người; vận động nhà xe, chợ búa, người dân ký cam kết thường xuyên.
Chiến dịch thu hồi VK, VLN, CCHT và pháo tại Lâm Đồng là minh chứng cho hiệu quả của cách làm kết hợp tuyên truyền - vận động - xử lý - tiêu hủy. Duy trì và mở rộng mô hình này là chìa khóa “dọn đường” cho an ninh bền vững - bảo vệ cả mạng sống và bình yên cộng đồng.
Căn cứ theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, cá nhân tàng trữ vũ khí thô sơ, CCHT trái phép nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, tịch thu tang vật; tàng trữ vũ khí quân dụng, VLN trái phép, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng, tịch thu toàn bộ VK, VLN…
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/lam-dong-no-luc-thu-hoi-vu-khi-tho-so-382909.html