Làm gì để bảo tàng hết cảnh đìu hiu?

Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật văn hóa - lịch sử, mà còn là nơi thúc đẩy hiểu biết để cùng hướng tới sự phát triển bền vững.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia miễn phí cho khách tham quan trong ngày 18/5.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia miễn phí cho khách tham quan trong ngày 18/5.

Năm 2023, Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) định hướng các bảo tàng hướng hoạt động tới chủ đề “Bảo tàng, tính bền vững và an sinh” (Museums, Sustainability and Wellbeing), với mong muốn làm nổi bật vai trò của bảo tàng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của thế giới - trước những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và bất bình đẳng xã hội.

Các bảo tàng có thể giúp giáo dục công chúng về những vấn đề này và khuyến khích những hành động hướng tới sự thay đổi tích cực.

Nhiều hoạt động nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng

Logo chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng với chủ đề 'Bảo tàng, tính bền vững và an sinh'.

Logo chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng với chủ đề 'Bảo tàng, tính bền vững và an sinh'.

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, ngoài việc thúc đẩy quảng bá văn hóa - lịch sử, lưu giữ trưng bày hiện vật, thì nhiệm vụ ngày càng nặng nề khi là thành viên của ICOM. Vì vậy, để văn hóa song hành cùng sự bền vững của thế giới - Việt Nam cùng hệ thống bảo tàng trong nước cần có những bước đi đúng, chiến lược dài hạn và quan trọng là hướng tới tính bền vững như chủ đề năm 2023 mà ICOM đề ra.

Được tổ chức từ năm 1978, Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5 được Hội đồng Bảo tàng quốc tế phát động hằng năm, với một chủ đề cụ thể để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động, không ngừng đa dạng hóa nâng cao chất lượng và hiệu quả trên phương châm “Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội”.

Thực hiện chủ đề năm 2023, nhiều bảo tàng ở nước ta đã và đang triển khai các hoạt động. Song hành với tính bền vững và an sinh, đồng thời tôn vinh những giá trị di sản đang được lưu giữ và trưng bày, bảo tàng tổ chức một số hoạt động giáo dục, trải nghiệm phục vụ khách tham quan.

Nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2023, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ miễn phí cho khách tham quan trong ngày 18/5. Theo đó, công chúng sẽ thoải mái ra vào cửa, tham quan các khu trưng bày - nhằm cảm thụ văn hóa và thúc đẩy các giá trị hiểu biết về vai trò của bảo tàng.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng tổ chức hàng loạt hoạt động giáo dục trải nghiệm. Trong đó, có trải nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc tìm hiểu và khai thác thông tin văn hóa các dân tộc tại phòng trưng bày số 1 (nhóm ngôn ngữ Việt - Mường) và số 2 (nhóm ngôn ngữ Tày - Thái). Đồng thời, sẽ chiếu phim tư liệu về di sản văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người.

Ngoài ra, còn có hoạt động tìm hiểu về Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và các chương trình giáo dục di sản văn hóa dưới hình thức online. Trưng bày tác phẩm thi vẽ tranh và ảnh với chủ đề “Bảo tàng với di sản văn hóa Việt Nam”. Đơn vị này cũng dành trọn 1 ngày (18/5) miễn phí cho khách tham quan bảo tàng.

Làm gì để bảo tàng hết cảnh đìu hiu?

Tác phẩm dự thi vẽ tranh 'Bảo tàng với di sản văn hóa Việt Nam' Chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2023 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm dự thi vẽ tranh 'Bảo tàng với di sản văn hóa Việt Nam' Chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2023 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Theo Hội đồng Bảo tàng Quốc tế - với chủ đề năm 2023, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các bảo tàng có thể góp phần tham gia hoạt động vì khí hậu và thúc đẩy tính toàn diện hay giải quyết tình trạng cô lập xã hội và cải thiện sức khỏe tâm thần. Những sự kiện này sẽ thúc đẩy và giáo dục công chúng về tầm quan trọng của tính bền vững.

Thời gian gần đây, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, vai trò của bảo tàng được toàn thế giới nhìn nhận lại. Ngoài mục tiêu lưu giữ hiện vật, thúc đẩy văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau, thì tính định hướng và giáo dục được coi là nhiệm vụ song hành trong việc chống lại dịch bệnh và sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu và dịch bệnh khiến thế giới hiểu rằng, mọi thứ sẽ bị hủy hoại chứ không riêng gì bảo tàng. Theo thống kê của ICOM, khoảng 95% bảo tàng trên toàn thế giới phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, các bảo tàng thế giới mất tới trên 70% khách.

Tại Việt Nam, một số bảo tàng thích ứng bằng hoạt động tham quan trực tuyến. Tuy nhiên, trưng bày trực tuyến dù có lợi cho công chúng vì không mất phí tham quan, không cần đến bảo tàng vẫn thấy rõ hiện vật nhưng bảo tàng lại không có nguồn thu.

Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, muốn bán vé tham quan trực tuyến thì bảo tàng phải đầu tư lớn cả về độ “độc” của hiện vật lẫn tầm công nghệ. Trưng bày trực tuyến có tính lan tỏa tốt, nhưng hạn chế là mất khách khi bảo tàng mở cửa trở lại.

Năm 2022, nhân chủ đề “Sức mạnh của Bảo tàng”, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá và giới thiệu tới du khách những giá trị văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ, trưng bày.

Việt Nam có trên 120 bảo tàng, sở hữu nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử - văn hóa phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, du lịch... Tuy nhiên, lượng khách đến thì chẳng đáng là bao. Cảnh đìu hiu ở Bảo tàng Văn học hay Bảo tàng Hà Nội, mỗi ngày khách đến có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở Thủ đô đã vậy, bảo tàng ở các tỉnh thành còn buồn hơn khi sân mọc đầy cỏ và rêu do lâu ngày không có người qua lại.

Thực trạng là thế, nhưng cứ phải xây dựng, tu sửa, nâng cấp… và phải đủ biên chế nhân sự. Không phát huy được giá trị, nhưng kinh phí cứ phải chi đều. Thậm chí, Nhà nước phải chịu gánh nặng “đội giá”, kể cả trong dự án thiết kế trưng bày dai dẳng mãi không xong.

Thậm chí, giới quản lý từng chỉ ra tình trạng ở một số bảo tàng “chân ngoài dài hơn chân trong”, tức hoạt động chuyên môn chỉ là duy trì cho có, trong khi mục đích chính của bảo tàng là đất đai được tận dụng để kinh doanh, làm nhà hàng, quán nhậu, bãi đỗ xe, hoặc chỉ là nơi trú chân tạm cho các tour du lịch dùng làm điểm tập, trung chuyển đón khách đi ăn…

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-gi-de-bao-tang-het-canh-diu-hiu-post638974.html