Làm gì để gạo Việt Nam bán được giá cao?

Gạo Việt Nam có chất lượng cao nhưng khó bán giá cao nếu không có giải pháp giải quyết nguồn vốn cho doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.

Đồng hành gần 30 năm với ngành lúa gạo, doanh nhân Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, gạo Việt vẫn thiếu sức cạnh tranh trên trường quốc tế, bị ép giá, thương hiệu doanh nghiệp không mạnh, thương hiệu gạo quốc gia cũng mờ nhạt.

Nguyên nhân chính theo ông Bình là bởi, suốt nhiều năm qua, canh tác lúa chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, sử dụng kinh nghiệm tự phát, mạnh ai nấy trồng.

Điều này dẫn đến doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào người nông dân, không đáp ứng được hoặc đáp ứng rất hạn chế loại gạo khách hàng yêu cầu.

Mô hình cánh đồng liên kết giải quyết "lời nguyền" manh mún, tự phát của lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Mô hình cánh đồng liên kết giải quyết "lời nguyền" manh mún, tự phát của lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Nhận thức được những thực trạng của ngành lúa gạo, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đã đề ra nhiều giải pháp triển khai mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn.

Thực tế cho thấy, sau khi có chủ trương phát triển cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết vào năm 2012, một số doanh nghiệp đã dám mạnh dạn cung cấp gạo chất lượng cao cho khách hàng theo nhu cầu. Năng suất, chất lượng lúa được nâng cao, từng bước phá đi “lời nguyền” manh mún, lạc hậu của nghề trồng lúa.

Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam vẫn chưa ổn định. Chủ tịch Công ty Trung An vẫn nhớ mãi câu chuyện chính những doanh nghiệp Việt chấp nhận bỏ thầu gạo với giá thật thấp để trúng thầu, bất chấp thiệt hại, thua lỗ.

Ông Bình kể lại, thời điểm tháng 8/2018, Hàn Quốc mở thầu gạo hạt ngắn. Khi đó, Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp tham gia đấu thầu, tỷ lệ trúng thầu rất cao nhưng vẫn cạnh tranh với nhau về giá. Kết quả, Việt Nam trúng thầu với số lượng gấp 3,5 lần Trung Quốc nhưng giá thấp hơn đến 100USD/tấn.

Hay như năm 2021, cùng thời điểm, cùng loại gạo, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc bán với giá 1.100USD/tấn, doanh nghiệp Việt vẫn sẵn sàng bán với giá 540USD/tấn.

“Doanh nghiệp thậm chí có thể lỗ nặng, biết điều đó nhưng vẫn tranh nhau chào bán giá thấp”, ông Bình cho biết.

Cùng lúc đó, khi sản lượng gạo trên thế giới khan hiếm, các quốc gia tăng cường nhập khẩu, doanh nghiệp không đủ gạo xuất khẩu. Mô hình cánh đồng liên kết cho năng suất cao, chất lượng tốt nhưng “lúa chín đầy đồng”, doanh nghiệp không kịp nhận, phải bán lại cho thương lái.

Chủ tịch Công ty Trung An lý giải, nguyên nhân của những nghịch lý trên đến từ việc doanh nghiệp không đủ vốn dài hạn để lắp đặt máy móc cần thiết như máy sấy lúa, silo chứa gạo, cũng không đủ vốn ngắn hạn để thanh toán tiền cho bà con nông dân. Do đó, doanh nghiệp phải bán bất chấp, bán tống bán tháo để duy trì dòng tiền.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, tại Diễn đàn quốc tế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long 2024.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, tại Diễn đàn quốc tế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long 2024.

Vướng mắc về vốn ngắn và dài hạn khiến doanh nghiệp, hợp tác xã không thể theo đuổi mô hình liên kết. Cánh đồng mẫu lớn cứ vậy teo nhỏ dần.

Hiến kế cho gạo Việt Nam

Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (đề án 1 triệu ha lúa) được phê duyệt cuối năm 2023, đặt mục tiêu nâng cao giá trị gạo Việt Nam thông qua tăng cường chất lượng, giảm phát thải carbon, từ đó gia tăng lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Ông Bình cũng như nhiều doanh nhân nông nghiệp và hàng triệu hộ nông dân, hợp tác xã miền Tây, tin tưởng rằng đề án 1 triệu ha lúa sẽ tiếp tục tạo ra động lực cho gạo Việt Nam phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế.

“Đề án 1 triệu ha lúa có thể giúp gạo Việt Nam thu về thêm từ 3 – 5 tỷ USD mỗi năm”, lãnh đạo Công ty Trung An khẳng định.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa con số ấy, để gạo Việt Nam bán được với giá cao, ông Bình nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện mô hình liên kết.

Cụ thể, Chủ tịch Công ty Trung An đề xuất xây dựng doanh nghiệp, hợp tác xã “đầu đàn” ở 13 tỉnh, thành miền Tây. Mỗi đơn vị chỉ cần phụ trách 40 nghìn ha cánh đồng theo mô hình liên kết, có thể sản xuất ổn định 3 – 4 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu. Từ đó, gạo Việt Nam xuất khẩu với tư thế chủ động, không phải chịu áp lực từ thị trường.

Song song với đó, giải quyết tình trạng tranh mua tranh bán của doanh nghiệp lúa gạo trên thị trường quốc tế, cần có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng để đảm bảo khoảng 50 nghìn tỷ đồng vốn vay ngắn hạn mỗi năm phục vụ thanh toán tiền mua lúa cho bà con.

Ngoài ra, khoảng 50 nghìn tỷ đồng vốn vay dài hạn cũng rất cần thiết để doanh nghiệp chủ động đầu tư cơ giới hóa chuỗi sản xuất lúa gạo.

Tổng hòa tất cả những yếu tố đó, cộng thêm canh tác theo hình thức mới giúp tăng chất lượng, giảm phát thải carbon, ông Bình tin tưởng, gạo Việt Nam sẽ bán được giá cao, ổn định, đưa ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, đem về lợi ích cho nền kinh tế, lợi nhuận cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/lam-gi-de-gao-viet-nam-ban-duoc-gia-cao-d38159.html