Làm thế nào để doanh nghiệp Việt vừa phát triển mạnh mẽ, vừa đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về bền vững?

Khởi động ngày đầu tiên, chuỗi sự kiện VSMCamp và CSMOSummit 2024 với hơn 60 diễn giả chia sẻ gần 40 bài tham luận về xu hướng phát triển bền vững.

Thị trường “tiêu thụ xanh” mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam

Tại Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 (diễn ra trong 2 ngày 22 - 23/11), ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam (CSMO) cho biết: Sales và marketing là đầu tàu của doanh nghiệp và hiệu quả của bộ phận này quyết định sự phát triển bền vững của tổ chức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường biến động không ngừng, chủ đề Sustainability (tính bền vững) năm nay được lựa chọn nhằm phản ánh thách thức lớn nhất của thời đại, đó là cân bằng giữa lợi nhuận và phát triển bền vững

 Ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam. (Ảnh: ST)

Ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam. (Ảnh: ST)

Là người trình bày bài tham luận đầu tiên mang tên “Green Consumption and Export”, ông Stephen Kreppel CEO của The Nation Consultancy cho rằng, thị trường “tiêu thụ xanh” đang mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu.

Ông nhấn mạnh rằng, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố then chốt: đảm bảo chất lượng sản phẩm, chứng minh tính bền vững và thúc đẩy hợp tác ngành hàng để xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ và đáng tin cậy.

Đồng thời, ông Stephen Kreppel cũng chỉ ra rằng, sự chân thực và minh bạch là "chìa khóa" để thu hút người tiêu dùng có ý thức; vừa đề cao các sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền con người và động vật. Kết hợp giữa sản xuất bền vững và trải nghiệm du lịch chân thực chính là hướng đi sáng tạo, giúp gia tăng giá trị sản phẩm truyền thống Việt Nam, mở ra tiềm năng lớn trên thị trường tiêu thụ xanh toàn cầu.

Trong bài phát biểu tâm huyết với chủ đề “Vững bền để phát triển hay phát triển nhưng vững bền”, ông Trần Bằng Việt - chuyên gia tư vấn cấp cao, Tổng giám đốc điều hành Đông A Solutions - đã đặt ra một câu hỏi mang tính thời đại: Làm thế nào để doanh nghiệp vừa phát triển mạnh mẽ, vừa đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về bền vững?

Theo ông, phát triển bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành chiến lược bắt buộc, giúp doanh nghiệp xây dựng giá trị dài hạn và niềm tin từ công chúng. Dựa trên ba trụ cột chính là môi trường, xã hội và kinh tế, ông Việt gợi mở hai hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam là đầu tư bài bản ngay từ đầu với chiến lược “Vững bền để phát triển”, hoặc áp dụng từng bước đổi mới với phương châm “Phát triển nhưng vững bền”.

Vị chuyên gia đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa tài nguyên và minh bạch trách nhiệm với cộng đồng để tránh rủi ro “tẩy xanh” (greenwashing). Với sự chuẩn bị bài bản và hợp tác chiến lược, doanh nghiệp không chỉ đạt hiệu quả kinh tế mà còn tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khách hàng và đối tác.

Tác động của AI đến tiếp thị bền vững: 5 năm tới

Chia sẻ về “Tác động của AI đến tiếp thị bền vững: 5 năm tới”, Giáo sư Marc Kramer - Giảng viên chuyên ngành Khởi nghiệp, đồng Giám đốc chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh VinUni đã nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay đã trở nên vô cùng quan trọng trong đời sống và các công cụ hiện đại, giúp chúng ta cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, phát triển các ý tưởng bền vững và giảm thiểu tác động môi trường. Trong đó, các công nghệ như thực tế ảo (AR), thực tế ảo tăng cường (VR) và Metaverse đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc lên chiến lược tiếp thị đến khách hàng mục tiêu.

 Toàn cảnh hội trường. (Ảnh: ST)

Toàn cảnh hội trường. (Ảnh: ST)

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, vấn đề đạo đức và quyền riêng tư của người dùng cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến sự riêng tư và những nội dung cá nhân hóa, khi người dùng luôn mong muốn có được những trải nghiệm đáp ứng với nhu cầu mà không xâm phạm đến quyền riêng tư của họ.

Sau khi làm rõ được tác động của trí tuệ nhân tạo đến tiếp thị bền vững, sự kiện tiếp nối với phiên đối thoại “Con đường phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt để chinh phục thị trường thế giới”.

Trong phần này, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Founder, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Phần mềm Autoagri cùng ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Bros, Phó Chủ tịch CSMO Việt Nam đã mở ra những góc nhìn sâu sắc về tiềm năng và thách thức của nông nghiệp Việt Nam trên hành trình hội nhập toàn cầu.

Theo bà Thực, quốc tế hóa ẩm thực Việt Nam không chỉ là một hướng đi chiến lược, mà còn là “chìa khóa” để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, dựa trên giá trị cốt lõi từ người nông dân và các sản phẩm bản địa. Bà nhấn mạnh, việc chuẩn hóa và nâng tầm ẩm thực Việt theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp định vị thương hiệu quốc gia mạnh mẽ hơn, trong khi vẫn cần chú trọng vào các yếu tố như chống lãng phí thực phẩm, bảo đảm an ninh dinh dưỡng và khai thác các lợi thế tự nhiên để sản xuất bền vững.

“Với sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, cùng ứng dụng công nghệ hiện đại, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển bền vững và tạo giá trị vượt trội trên thị trường toàn cầu”, bà Thực khẳng định.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lam-the-nao-de-doanh-nghiep-viet-vua-phat-trien-manh-me-vua-dap-ung-nhung-doi-hoi-ngay-cang-cao-ve-ben-vung-post322574.html