Lần đầu quan sát được sự ra đời của hệ Mặt trời
Nhà khoa học Melissa McClure tại Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết, bà và các cộng sự đã xác định được thời điểm sớm nhất khi quá trình hình thành hành tinh bắt đầu diễn ra xung quanh một ngôi sao khác ngoài hệ Mặt trời.

Ảnh: Astronomy
Theo đó, hệ hành tinh mới đang hình thành quanh ngôi sao sơ sinh HOPS-315 (ảnh) cách Trái đất 1.300 năm ánh sáng trong tinh vân Orion. Bao quanh các ngôi sao trẻ là các vành đai khí và bụi khổng lồ gọi là đĩa tiền hành tinh, nơi các hành tinh hình thành. Bên trong những đĩa xoáy này, các khoáng chất kết tinh chứa hóa chất silicon monoxide có thể kết tụ lại với nhau. Quá trình này có thể tạo thành những tiểu hành tinh nguyên thủy có kích thước hàng kilômét và một ngày nào đó, chúng sẽ phát triển thành các hành tinh hoàn chỉnh.
Trong hệ Mặt trời, các khoáng chất tinh thể - vốn là nguyên liệu ban đầu để hình thành Trái đất và lõi của sao Mộc - được cho là đã bị mắc kẹt trong các thiên thạch cổ đại. Các nhà thiên văn học đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy những khoáng chất nóng này đang bắt đầu đặc lại trong đĩa bao quanh HOPS-315. Điều này mở đường cho việc các nhà khoa học có thể khám phá ra quá trình khai sinh ra Trái đất.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-dau-quan-sat-duoc-su-ra-doi-cua-he-mat-troi-post804418.html