Lần đầu tiên ghi nhận ngôi sao sống sót sau 2 lần va chạm với hố đen khổng lồ
Các nhà khoa học mô tả một vụ bùng sáng (flare) được ghi nhận gần như giống hệt với hiện tượng từng xảy ra 2 năm trước đó, xuất phát từ cùng một vị trí trong vũ trụ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: techno-science)
Trong một khám phá gây chấn động nền vật lý thiên văn hiện đại, các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv (TAU) cùng một nhóm nghiên cứu quốc tế đã lần đầu tiên ghi nhận được một hiện tượng hiếm hoi, đó là một ngôi sao sống sót sau khi "va chạm" với hố đen siêu lớn không chỉ 1 mà tới 2 lần.
Phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí danh tiếng The Astrophysical Journal Letters, mô tả một vụ bùng sáng (flare) được ghi nhận gần như giống hệt với hiện tượng từng xảy ra 2 năm trước đó, xuất phát từ cùng một vị trí trong vũ trụ.
Vụ bùng sáng xảy ra khi một ngôi sao được đặt tên là AT 2022dbl tiến gần hố đen nhưng lại không bị nuốt chửng hoàn toàn như giới khoa học từng tiên đoán.
Giáo sư Iair Arcavi, giảng viên Khoa Vật lý Thiên văn tại TAU và là Giám đốc Đài thiên văn Wise tại Mizpe Ramon, chia sẻ: “Ngôi sao không bị phá hủy hoàn toàn, mà thật sự đã sống sót. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một ngôi sao quay trở lại trong khoảng thời gian ngắn theo thang đo con người."
Theo các nhà khoa học, ngôi sao AT 2022dbl quay quanh hố đen theo quỹ đạo hình elip, tương tự như Trái Đất quay quanh Mặt Trời, với chu kỳ khoảng 700 ngày. Khi ngôi sao tiếp cận điểm gần nhất trong quỹ đạo, một phần của nó bị lực hấp dẫn cực mạnh của hố đen kéo vào.
Giáo sư Arcavi suy đoán: “Lần thứ hai này, có thể toàn bộ ngôi sao đã bị phá hủy, Chúng ta sẽ chỉ biết chắc khi chờ xem liệu hiện tượng này có xảy ra lần thứ ba vào đầu năm 2026 hay không. Có khả năng, những vụ bùng sáng mà chúng ta vẫn cho là do sự phá hủy toàn bộ ngôi sao, thực ra không phải như vậy."
Từ lâu, các nhà thiên văn đã biết rằng trung tâm của hầu hết các thiên hà đều chứa một hố đen siêu lớn, có khối lượng gấp hàng triệu đến hàng tỷ lần Mặt Trời.
Những thực thể khổng lồ này, bao gồm cả hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà, có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và tiến hóa của toàn bộ thiên hà.
Hố đen là khu vực có lực hấp dẫn mạnh đến mức ánh sáng cũng không thể thoát ra.
Một trong những phương pháp quan sát hiếm hoi để nghiên cứu chúng là thông qua các sự kiện gián đoạn thủy triều (tidal disruption event), khi mà 1 ngôi sao bị xé toạc do lực hấp dẫn khi tiến gần hố đen. Vật chất của ngôi sao bị phá hủy bị hút vào hố đen, nóng lên đến nhiệt độ cực cao và tạo ra một vụ bùng sáng mạnh mẽ.
Những sự kiện như vậy giúp các nhà khoa học có cơ hội quan sát ngắn ngủi nhưng đầy giá trị về bản chất bí ẩn của hố đen. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong suốt thập kỷ qua, nhiều vụ bùng sáng ghi nhận được lại mờ và lạnh hơn so với dự đoán lý thuyết.
Các nhà khoa học cho biết trung tâm của thiên hà vô cùng đông đúc và dày đặc các ngôi sao, trái ngược với khu vực “ngoại ô” mà Trái Đất con người đang ở.
Theo Giáo sư Arcavi, ở trung tâm là khu vực rất náo nhiệt và hỗn loạn, có một hố đen siêu lớn và còn rất nhiều điều con người chưa hiểu rõ.
Các nhà thiên văn học hiện đã biết rằng khi một ngôi sao lớn kết thúc vòng đời và sụp đổ, nó có thể trở thành hố đen với khối lượng gấp khoảng 10 lần Mặt Trời.
Giáo sư Arcavi nói: “Chúng tôi từng cho rằng các ngôi sao bị xé toạc hoàn toàn ở trung tâm các thiên hà đồng nghĩa với sự biến mất hoàn toàn của ngôi sao đó. Nhưng giờ đây, chúng tôi phát hiện một ngôi sao chỉ bị phá hủy một phần, điều này giúp giải thích nhiều bí ẩn và mở ra cơ hội hiểu rõ hơn về hố đen”./.