Lặng nghe tiếng sương

Buổi sớm buông nắng tinh khôi, chiều về mưa buồn phố núi. Trong đêm, đã nghe tiếng sương thở âm thầm nơi lòng đất để sớm mai buông màu trắng xám đục mờ lên cao nguyên, dềnh dàng mù mịt khắp xứ sở mấy ngày trời trước khi tan loãng vào mênh mông vô định.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xứ này vui nhiều, buồn lắm nên ngày nắng vui cuồng nhiệt hay đêm mưa dầm vỡ đất cũng đều kéo dài lê thê tưởng như không bao giờ dứt. Và sương như một tiếng thở dài để cho dẫu là niềm vui hay nỗi buồn cũng đừng ứ đọng quá lâu trong lồng ngực. Sương chỉ trở về khi ngày có đủ nắng mưa - đủ vui buồn vừa phải.

Mùa khô cùng kiệt, sương mỏng manh hờ hững, ghé qua trong chốc lát rồi đỏng đảnh giấu mình vào hốc đá, rừng cây đang héo khô chờ ngày được tưới tắm. Mùa mưa tràn trề hơi nước, đất không cách nào ngậm hút được hết độ ẩm nên sương ê hề, phơi ra cho vạn vật, muôn loài cùng thấy.

Cả xứ sở chìm trong sương, đủ để bao kẻ bày vết thương tái tê trong lòng ra gặm nhấm mà không sợ ai nhìn thấy.

Lỡ nước mắt có không nhịn được mà tràn ra cũng có thể buông nhẹ một câu đổ vấy cho sương bữa nay sao dày quá, đứng cách nhau có vài mét đã chẳng nhìn thấy mặt, đọng cả vào mi mắt lạnh buốt và làm lòng mình chùng xuống. Mà sương thì muôn đời im lặng, có bao giờ lên tiếng đúng - sai.

Tôi giữ trong mình niềm tin rằng từ muôn kiếp trước, sương tinh khôi, trong veo không nhuốm chút bụi trần. Cộng đồng gắn bó trên mảnh đất Tây Nguyên hồn nhiên từ thời nguyên thủy chẳng cho rằng con người cùng mạng sống được hình thành từ giọt sương tinh khiết, thuần túy đấy sao?

Họ tin rằng, con người khi chết đi, hồn hóa thành con nhện. Con nhện trải qua bảy lần chuyển kiếp để trở thành giọt sương tốt lành. Giọt sương ấy sẽ đầu thai vào những người cha, người mẹ để được sinh ra lại.

Ngày chào đời, bà mụ dùng quả cà héo chấm vào giọt sương để gần miệng đứa trẻ rồi đọc tên từng tổ tiên. Đến tên ai, đứa trẻ đưa lưỡi ra uống sương trên quả cà thì có nghĩa là hồn người đó đã nhập vào đứa trẻ và trở lại sống một cuộc đời mới. Giọt sương là khởi nguồn sự sống tái sinh.

Bởi vậy, những ngày sương ngấm đầy mặt đất lẫn bầu trời, núi đồi cùng thung lũng, tôi để mình được thả lỏng cùng sương. Mỗi mùa sương là một mùa nương náu. Nghe sương thở mà ngẫm chuyện thế gian.

Đời người như giọt sương đi hết một vòng tuần hoàn trước khi tan vào lòng đất. Sáng sớm cất lời tinh khôi rực rỡ, chiều tà nhuốm khói u buồn. Có khi rộn rã hợp bầy dày dằng dặc tưởng như chẳng gì có thể xuyên qua nổi, che giấu biết bao điều bí ẩn không muốn phơi bày.

Có lúc cô đơn cùng kiệt, rã thành một vệt mờ chả đủ sức cất tiếng chia ly trước khi tan biến. Sương vắt ngang sườn đồi, mang hình hài kiêu ngạo. Sương ẩn mình trong lòng thung, ảm đạm kiếp cúi đầu.

Đứng trong sương, thấy nỗi buồn lịm buốt tan ra. Bước chầm chậm với sương, nghe hơi ấm phả ra từ lòng sương giá. Chẳng biết nước mắt hay sương tan rã. Nhưng những cơn đau âm ỉ vô hình tự lúc nào đã bỏ rơi ta mà đi mất. Nên đôi khi chỉ muốn mình được trốn giữa mù sương.

Sớm nay có nắng vàng, chiều ồn ã mưa rơi. Tôi biết sớm mai sương sẽ phủ đầy xứ sở. Tôi nằm nghe tiếng sương thở dài trong đêm vắng, thấy sương bắt đầu lan dần từ đỉnh núi xuống thung lũng, nuốt trọn mặt đất bằng hơi nước lịm buồn lơ lửng.

Và mắt sương nhìn cuộc đời trong veo.

Đào Thu Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-nghe-tieng-suong-20241122131735237.htm