Lặng thầm giữ rừng giữa lòng Thủ đô
Giữa nhịp sống nhộn nhịp của Thủ đô Hà Nội, lực lượng kiểm lâm vẫn âm thầm gìn giữ những mảng rừng xanh quý giá trải dài trên địa bàn thành phố Hà Nội, với tổng diện tích rừng và đất chưa thành rừng gần 27.100ha.
Rừng của thành phố Hà Nội tuy không lớn nhưng đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và gắn bó mật thiết với du lịch sinh thái, tín ngưỡng, di sản văn hóa.

Lực lượng kiểm lâm thành phố Hà Nội kiểm tra rừng tại xã Trung Giã. Ảnh: Đức Duy
Chủ động, quyết liệt trong bảo vệ rừng
Theo địa giới hành chính của chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố Hà Nội còn 25 xã có rừng và đất lâm nghiệp gồm: Sóc Sơn, Nội Bài, Trung Giã, Kim Anh, Phú Cát, Quốc Oai, Xuân Mai, Trần Phú, Mỹ Đức, Hồng Sơn, Phúc Sơn, Hương Sơn, Quảng Oai, Vật Lại, Bất Bạt, Suối Hai, Ba Vì, Yên Bài, Sơn Tây, Tùng Thiện, Đoài Phương, Hạ Bằng, Thạch Thất, Hòa Lạc, Yên Xuân.
Trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, kiểm soát động vật hoang dã, giám sát rừng qua phần mềm FRMS được tăng cường đáng kể, thể hiện vai trò then chốt của kiểm lâm trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Thủ đô.
Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: “Dù diện tích rừng của Thủ đô không lớn, nhưng có ý nghĩa đặc biệt với cảnh quan, môi trường và an ninh sinh thái của thành phố. Mỗi cán bộ kiểm lâm luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công việc, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực đô thị hóa ngày càng lớn”.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trong 6 tháng qua, lực lượng kiểm lâm đã giải quyết hơn 308 hồ sơ hành chính đúng hạn, ban hành 100 văn bản chuyên môn phục vụ công tác bảo vệ rừng và quản lý động vật hoang dã. Chi cục đã cấp mã số cho 24 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; đồng thời vận động người dân tự nguyện giao nộp 3 cá thể gấu ngựa về Trung tâm Cứu hộ tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Chi cục cũng duy trì giám sát với 274 cơ sở nuôi giữ hơn 105.000 cá thể động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES, trong đó có 106 cá thể gấu; kiểm tra thường xuyên gần 400 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, cùng 7 cơ sở trồng cấy nhân tạo thực vật hoang dã.
Ngoài ra, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai quyết liệt trong mùa hanh khô, nắng nóng. Báo cáo của các hạt kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã có rừng cho thấy, từ đầu năm 2025 đến nay xảy ra 10 vụ cháy rừng và 1 vụ cháy trên đất không có rừng, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2024. Tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 6,8ha, nhưng nhờ phát hiện sớm và huy động kịp thời lực lượng, các vụ cháy đều được lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, không để cháy lan gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, Chi cục đã xử lý 132 vụ vi phạm khai thác, san gạt và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, tập trung chủ yếu tại các xã: Yên Bài, Trung Giã, Kim Anh… Đây là vấn đề nóng và phức tạp, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn cần bám sát, phối hợp với chính quyền địa phương để từng bước chấn chỉnh, xử lý.
“Chúng tôi xác định, ngoài lực lượng chuyên trách, rất cần sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với chính quyền cơ sở và người dân. Quản lý rừng không thể thành công nếu chỉ trông chờ vào lực lượng kiểm lâm vốn còn mỏng và thiếu thốn về trang thiết bị như hiện nay,” ông Nguyễn Tiến Lâm nói.
Cần thêm sự phối hợp của địa phương có rừng
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, lực lượng kiểm lâm Thủ đô vẫn đối mặt không ít khó khăn. Một trong những trở ngại lớn là lực lượng còn mỏng, trong khi địa bàn có rừng rộng, phân bố xen kẽ khu dân cư, khu du lịch.
Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ giám sát rừng, theo dõi vi phạm như máy tính, thiết bị định vị GPS… đa phần đã lỗi thời, hư hỏng. Công tác cập nhật, đồng bộ dữ liệu theo dõi rừng trên phần mềm FRMS 4.0 vẫn còn chậm và thiếu chính xác. Việc chuyển giao hồ sơ quản lý rừng giữa các địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính cũng chưa được thực hiện triệt để. Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tình trạng lợi dụng ngày nghỉ hoặc các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính… để khai thác, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra.
“Chúng tôi đã kiến nghị UBND thành phố sớm ban hành chỉ đạo yêu cầu chính quyền các địa phương có rừng tăng cường phối hợp, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm đất lâm nghiệp. Đồng thời, cần đầu tư thiết bị hiện đại và chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ kiểm lâm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác”, Phó Chi cục trưởng Nguyễn Tiến Lâm thông tin.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xác định một loạt nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện rà soát hiện trạng rừng theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18-2-2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường tuyên truyền pháp luật lâm nghiệp đến tận người dân vùng ven rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Trần Quang Vinh cho biết, điểm sáng đáng ghi nhận là hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Nội dần đi vào ổn định, quản lý gần 89 tỷ đồng. Nguồn lực này sẽ là chỗ dựa quan trọng cho các hoạt động trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân.
“Thành phố đang sắp xếp lại tổ chức hành chính cấp xã. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với công tác bảo vệ rừng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao của thành phố và sự đồng hành của các địa phương để không lặp lại bài học “mất bò mới lo làm chuồng” trong quản lý đất lâm nghiệp”, ông Trần Quang Vinh nhấn mạnh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lang-tham-giu-rung-giua-long-thu-do-709690.html