Lãnh đạo quân sự HTS lần đầu mở lời về chiến dịch lật đổ ông Assad
HTS - nhóm dẫn đầu lực lượng đối lập kiểm soát thủ đô Damascus - đã lập kế hoạch lật đổ chính phủ suốt một năm, với kỷ luật thép và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khắp cả nước.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với giới truyền thông nước ngoài, Abu Hassan al-Hamwi - người đứng đầu cánh quân sự của lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - đã chia sẻ về cách nhóm này, ở phía tây bắc, liên lạc với phe ở phía nam. Mục tiêu sau cùng là tạo nên một phòng tuyến thống nhất bao vây thủ đô Damascus từ cả 2 hướng.
Theo ông al-Hamwi, HTS xây dựng kế hoạch này từ một năm trước, song đã phải chuẩn bị suốt nhiều năm.
Từ vô tổ chức tới lực lượng kỷ luật
Kể từ năm 2019, HTS đã áp dụng một học thuyết quân sự nhằm huấn luyện các chiến binh đến từ các nhóm đối lập và thánh chiến vô tổ chức thành một lực lượng chiến đấu có kỷ luật.
“Sau chiến dịch cuối cùng (tháng 8/2019), chúng tôi đã mất một vùng lãnh thổ khá lớn. Tất cả phe phái đều nhận ra mối nguy hiểm nghiêm trọng. Vấn đề cốt lõi nằm ở việc không có sự lãnh đạo thống nhất và kiểm soát chiến trận”, ông al-Hamwi - người đã giám sát cánh quân sự của HTS trong 5 năm - chia sẻ.
Chính quyền Syria đã phát động một chiến dịch chống lại các lực lượng đối lập ở phía tây bắc vào năm 2019, đẩy lùi thành công các phe phái có liên kết lỏng lẻo vào tỉnh Idlib. Tới mùa xuân năm 2020, sau thỏa thuận ngừng bắn, quân đối lập bị giới hạn trong một vùng đất nhỏ ở phía tây bắc Syria. Tình hình này giữ nguyên cho tới khi họ bất ngờ chiếm được ưu thế vào tháng 12.
Để thành công với kế hoạch lật đổ chính phủ, HTS nhận ra họ cần thiết lập trật tự nội bộ liên minh gồm các phe phái bị đẩy vào Idlib. HTS trao cho các nhóm khác cơ hội hợp nhất dưới sự bảo trợ của mình, và khi các nhóm này từ chối, HTS sẽ tìm cách bắt họ khuất phục.
HTS cũng chống lại các nhóm như Hurras al-Din - một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda, vốn từ chối cách tiếp cận Hồi giáo thực dụng hơn của HTS. Chẳng mấy chốc, HTS trở thành thế lực thống trị ở tây bắc Syria.
Cùng lúc, ông al-Hamwi bắt đầu đào tạo các chiến binh trong nhóm và phát triển một học thuyết quân sự toàn diện. “Chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng đối thủ, phân tích chiến thuật của họ, cả ngày lẫn đêm, và áp dụng những hiểu biết này để phát triển lực lượng của riêng mình”, ông nói nói.
Liên minh do HTS đứng đầu dần trở thành một lực lượng chiến đấu có kỷ luật, hình thành các nhánh quân sự, đơn vị và lực lượng an ninh. HTS cũng bắt đầu sản xuất vũ khí, phương tiện và đạn dược của riêng mình. Nhóm cho rằng mình cần phải sáng tạo để tận dụng tối đa nguồn lực hạn chế để đối đầu với quân chính phủ vốn có không quân cũng như được đồng minh hậu thuẫn.
Một đơn vị máy bay không người lái đã được thành lập, tập hợp các kỹ sư, thợ máy và nhà hóa học.
"Chúng tôi cần năng lực của họ và đặt ra các mục tiêu rõ ràng: Chúng tôi cần máy bay không người lái trinh sát, máy bay không người lái tấn công và máy bay không người lái tự sát, tập trung vào phạm vi và độ bền", ông al-Hamwi cho biết, đồng thời nói thêm việc sản xuất bắt đầu vào năm 2019.
Phiên bản mới nhất là một mẫu máy bay không người lái tự sát, được chính ông al-Hamwi đặt tên là "Shahin". Shahin trong tiếng Arab có nghĩa là chim ưng, "tượng trưng cho độ chính xác và sức mạnh của loài vật này".
Máy bay không người lái Shahin được triển khai lần đầu tiên trong tháng 12, với hiệu quả vượt trội. Các phương tiện quân sự pháo binh của chính phủ đã bị vô hiệu hóa bởi loại máy bay giá rẻ này.
HTS đã liên lạc cho tổ chức ở phía nam một năm trước và bắt đầu tư vấn về cách tạo một kế hoạch tác chiến quân sự thống nhất. Kể từ năm 2018, miền Nam Syria giao tranh liên tục và các nhóm quân sự phải hoạt động ngầm. Phần lớn lãnh đạo của phe đối lập miền Nam sống lưu vong ở Jordan, nhưng vẫn duy trì liên lạc với tổ chức.
Dưới sự giúp đỡ của HTS, một đơn vị tác chiến đã xuất hiện, tập hợp các chỉ huy của khoảng 25 nhóm ở phía nam. Những người này sẽ phối hợp hoạt động các chiến binh của nhóm mình với nhau và với HTS ở phía bắc. Mục tiêu cuối cùng là liên minh HTS sẽ tiếp cận từ phía bắc còn phòng tác chiến tiếp cận từ phía nam, cả hai sẽ gặp nhau tại thủ đô Damascus.
"Damascus không thể sụp đổ cho đến khi Aleppo sụp đổ"
Cuối tháng 11 được đánh giá là thời điểm chín muồi.
Trước hết, nhóm muốn ngăn chặn xu hướng các cường quốc khu vực, dẫn đầu là UAE và Saudi Arabia, bình thường hóa quan hệ ông Bashar al-Assad sau nhiều năm cô lập ngoại giao. HTS cũng muốn ngừng tăng cường không kích vào tây bắc Syria và cư dân khu vực này. Cuối cùng, HTS nhận thấy các đồng minh của ông Assad đang bị phân tâm, tạo ra một lỗ hổng chiến lược.
HTS phát động chiến dịch, tiến vào Aleppo vào ngày 29/11. Các chiến binh Hezbollah đã bảo vệ thành phố, nhưng nhanh chóng rút lui. Sự sụp đổ nhanh chóng của Aleppo khiến chính nhóm cũng bất ngờ. Aleppo là thành phố lớn thứ hai Syria và chính phủ mất 4 năm để giành lại quyền kiểm soát từ quân đối lập vào năm 2016.
"Chúng tôi có niềm tin, vun đắp từ lịch sử bởi 'Damascus không thể sụp đổ cho đến khi Aleppo sụp đổ’. Sức mạnh cách mạng Syria tập trung ở phía bắc và chúng tôi tin một khi Aleppo thuộc về mình, chúng tôi có thể tiến về phía nam hướng tới Damascus", ông al-Hamwi nói.
Từ Aleppo, dường như không gì có thể cản bước quân đối lập ở phía bắc. 4 ngày sau, họ chiếm được Hama, Vào ngày 7/12, HTS tấn công vào Homs và kiểm soát thành phố chỉ trong vài giờ.
Theo kế hoạch, nhóm quân ở phía nam sẽ đợi cho tới khi Homs thất thủ mới bắt đầu. Song vì quá phấn khích, họ đã đẩy hoạt động, nhanh chóng lấy được Daraa và tiến đến Damascus sớm hơn HTS.
Vào ngày 8/12, Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước.
Ông Al-Hamwi - vốn là một kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp Đại học Damascus và di dời cùng gia đình đến Idlib - cho biết sẽ đóng một vai trò trong chính phủ dân sự sắp tới. Ông thừa nhận xây dựng một quốc gia mới không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Một số nhóm tôn giáo thiểu số lo ngại HTS có thể áp đặt những giáo điều Hồi giáo.
"Chúng tôi khẳng định các nhóm thiểu số ở Syria là một phần của quốc gia và có quyền thực hành các nghi lễ, giáo dục và dịch vụ giống mọi công dân Syria. Chính phủ trước đã gieo rắc sự chia rẽ và chúng tôi đang cố gắng để thu hẹp những chia rẽ này", ông al-Hamwi kết luận.