Lào Cai chủ động quản lý vũ khí tự chế

Với đặc thù là tỉnh vùng cao, trước đây, vũ khí tự chế (chủ yếu là súng kíp, cung, nỏ, đao, kiếm) được coi là công cụ để khai hoang, bảo vệ nương rẫy và săn bắn, gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc sử dụng phổ biến vũ khí tự chế là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ săn bắn nhầm, giải quyết mâu thuẫn cá nhân gây thương vong...

Các loại vũ khí tự chế được lực lượng chức năng thu hồi. (Ảnh: T.L )

Hiện nay, mặc dù đã có quy định của Nhà nước về thu hồi vũ khí tự chế nhưng nhiều người vẫn lén giấu và sử dụng súng tự chế, gây hậu quả đáng tiếc. Điển hình như vụ việc xảy ra tại huyện Văn Bàn vào tháng 3/2019. Khi đang ở trên nương thảo quả của gia đình, Giàng A Dơ, Cư A Mạnh và Hoàng A Lù cùng trú tại thôn Nậm Trang, xã Nậm Mả nghe thấy tiếng khỉ kêu nên chia nhau đi săn. Khi thấy bụi cây cách khoảng 9 - 10 m có tiếng động và lá cây rung, Dơ tưởng là thú rừng nên đã nổ súng, sau đó phát hiện ông Lù nằm bất động, người dính nhiều vết thương và tử vong sau đó.

Tháng 1/2021, Giàng A Tăng, trú tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa do uống rượu say đã sử dụng súng kíp (súng săn tự chế) bắn bị thương chị Sùng Thị Me (vợ Tăng). Hậu quả, chị Me bị 15 viên đạn bi tự chế (đạn hoa cải) găm trên cơ thể. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nạn nhân tổn hại 50% sức khỏe.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, trước năm 1996, trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm có khoảng 30 vụ liên quan đến súng tự chế, làm chết 18 - 20 người; từ năm 1996 đến năm 2011, trung bình mỗi năm xảy ra 13 - 15 vụ, làm chết 10 - 12 người. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thu hồi vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ. Nổi bật là thực hiện Kế hoạch số 105 ngày 13/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”. Ngay sau khi ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch các cấp được thành lập đã ban hành quy chế làm việc và xác định rõ nội dung trọng tâm thực hiện, chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ hướng dẫn đẩy mạnh công tác công an để có biện pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả, đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, ngăn chặn.

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số), in pa nô, áp phích, tờ rơi có hình ảnh minh họa phù hợp với trình độ nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào; chỉ đạo lực lượng công an cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và “4 cùng” với người dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), tranh thủ vai trò của người có uy tín trong tham gia tuyên truyền pháp luật...

Sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, ông Lừu Chính Pao, thôn Làng Chảng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà đã tự nguyện giao nộp khẩu súng cồn tự chế. “Nghe cán bộ tuyên truyền, tôi nhận thức được việc sử dụng vũ khí tự chế là trái quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Từ nay, tôi sẽ không sử dụng súng tự chế và tích cực phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền, vận động người thân trong dòng họ tự giác giao nộp vũ khí tự chế”- ông Pao cho biết.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được Nhà nước giao quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (trừ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý) nhằm đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh, trật tự. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị đã tham mưu cho Công an tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, triển khai hiệu quả các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về quản lý vũ khí nói chung và súng săn miền núi nói riêng, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí.

Sau hơn 16 tháng thực hiện Kế hoạch 105, toàn tỉnh tổ chức 1.874 buổi tuyên truyền với hơn 20.000 lượt người dân tham gia; phát 7.343 tin, bài, phóng sự; tổ chức ký 16.000 bản cam kết chấp hành các quy định về pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Toàn tỉnh đã vận động, thu hồi 1.418 súng các loại, 338 viên đạn các loại; 127 lựu đạn, bom, mìn các loại; 2.271 kíp nổ; 1.589 công cụ hỗ trợ các loại; 960 vũ khí thô sơ các loại…; đấu tranh bắt giữ 40 vụ, 69 đối tượng; khởi tố 13 vụ, 33 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 21 vụ 30 đối tượng, nộp Kho bạc Nhà nước gần 200 triệu đồng. Qua đó, Công an tỉnh Lào Cai được Bộ Công an xếp thứ 2 toàn quốc trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện và đứng thứ 7 toàn quốc về kết quả vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 1 cá nhân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345951-lao-cai-chu-dong-quan-ly-vu-khi-tu-che