Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá: Lợi ích kép!

Đến thời điểm này, Bình Thuận đã lắp đặt trên 82% thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho các tàu cá có chiều dài 15m trở lên, hiện vẫn còn 344 tàu chưa được lắp đặt. Kết quả này đã ghi nhận sự nỗ lực lớn của các ngành chức năng, địa phương và sự đồng lòng của ngư dân. Có GSHT các tàu cá sẽ yên tâm vươn khơi bám biển, nhất là các vùng biển giáp ranh và kịp thời liên lạc với đất liền khi có sự cố trên biển. Sau nhiều chuyến đi biển với thiết bị giám sát tàu cá mới, ngư dân Đinh Sáu (50 tuổi, chủ tàu BT 96290, phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết) phấn khởi cho biết: Cuối năm 2019, sau khi được các ngành chức năng và địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá với kinh phí 20 triệu đồng. Theo đó, cứ mỗi chuyến biển, ngoài kiểm tra hoạt động của các thiết bị máy móc, ông đặc biệt quan tâm đến thiết bị này. Bởi, có máy giám sát hành trình, ông cảm thấy yên tâm, có thể bám biển dài ngày hơn. 'Nếu tàu ra gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài là có tín hiệu báo ngay, hoặc mấy anh ở Chi cục Thủy sản điện ngay cho mình nhắc nhở, kêu gọi tàu quay trở vào', ông Sáu cho biết thêm.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành t

 Ngư dân tự tin vươn khơi khi có thiết bị giám sát hành trình.

Ngư dân tự tin vươn khơi khi có thiết bị giám sát hành trình.

Ngư dân thấy được lợi ích

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.584/1.928 tàu cá trên 15m đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 82,15%, trong đó, huyện Phú Quý có 465/470 tàu lắp đặt đạt 98,94%; thị xã La Gi có 542/702 tàu lắp đặt đạt 77,20%; TP. Phan Thiết có 371/462 tàu lắp đặt đạt 80,30% và huyện Tuy Phong có 202/287 tàu lắp đặt đạt 70,38%.

Tại cảng neo đậu tàu thuyền Phan Thiết, anh Phan Văn Toàn đang vệ sinh, sơn sửa lại chiếc tàu, chuẩn bị cho những ngày tới đi biển. Vừa làm, anh Toàn vừa chia sẻ: “Việc ra khơi đánh bắt trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhưng do lợi ích từ thiết bị giám sát hành trình mang lại nên gia đình anh đã chủ động trang bị cho tàu của mình một chiếc. Mình đánh bắt đúng vùng biển, ra ngoài là bị báo động ngay. Trong trường hợp gặp mưa bão, tàu bị sự cố cũng dễ dàng liên lạc cứu trợ chứ không phải lo lắng như trước đây”.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, ngoài việc cập nhật thường xuyên tọa độ đánh bắt, những thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn tích hợp nhiều tính năng có ích cho ngư dân. Chỉ cần theo dõi thường xuyên thiết bị, ngư dân có thể biết được góc độ, hướng di chuyển của tàu cũng như thông tin cảnh báo phát đi từ trạm bờ. Trung tâmđiều hành giám sát tàu cá được đặt tại Chi cục thủy sản Bình Thuận, qua màn hình, những người làm công tác vận hành sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá đang hoạt động và neo đậu. Trong trường hợp những phương tiện đang có hải trình gần vùng biển giáp ranh với các nước, sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ phương tiện biết để kịp thời điều khiển tàu quay trở lại. Tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu để xử lý sau này.

Trước giờ G

Bình Thuận hiện có 6.958 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó, có 1.928 tàu, thuyền trên 15m đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, trước đây, việc kiểm tra, giám sát chưa đồng bộ, nên số vụ tàu cá vi phạm quy chế vùng biển thường xuyên diễn ra, hoặc có tàu còn cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, việc tăng cường lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá giúp Bình Thuận ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam từ Ủy ban châu Âu. Từ tháng 7/2019 đến nay, Bình Thuận không có trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận chia sẻ: “Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh. Bằng nhiều biện pháp, cách làm chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho ngư dân. Trong điều kiện còn khó khăn và chưa nhận được sự hỗ trợ, nhưng ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU diễn ra vào ngày 14/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, đây là kết quả đáng mừng của Bình Thuận, tuy nhiên các địa phương, các ngành không được chủ quan, phải tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm nghề cá, cộng đồng ngư dân. Cùng với đó, tỉnh khẩn trương rà soát lại danh sách tàu cá thuộc diện cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và kiên quyết chậm nhất đến 30/8/2020, Bình Thuận cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Lực lượng kiểm ngư, biên phòng phối hợp chính quyền địa phương triển khai thường xuyên việc kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu, kiên quyết không cho tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xuất bến đi biển, yêu cầu chủ tàu thực hiện ngay việc lắp đặt. Tổ chức rà soát danh sách tàu cá chưa lắp đặt, nắm chắc từng trường hợp để có biện pháp cụ thể. Đối với tàu cá trong danh sách lắp đặt nhưng trên thực tế đã dừng hoạt động do hư hỏng, nằm bờ hoặc đã thanh lý, bán ra ngoài địa phương nhưng chưa làm thủ tục thì phải thông báo chủ phương tiện thực hiện các thủ tục theo quy định. Đối với các trường hợp chủ tàu thực sự khó khăn (không đăng ký khai thác xa bờ, tàu cá làm nghề lưới kéo) thì phối hợp đơn vị cung ứng thiết bị tiếp cận, vận động, có phương thức cung ứng phù hợp tạo điều kiện cho ngư dân lắp đặt.

THANH NHÀN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-tren-tau-ca-loi-ich-kep-129382.html