Lấp lỗ hổng đào tạo sau đại học
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư nâng chuẩn đối với các trường đại học thực hiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Đồng tình với việc siết chuẩn trong đào tạo, đề cao liêm chính khoa học trong việc hướng dẫn, đánh giá và phản biện luận văn, luận án, nhưng dư luận cũng không khỏi băn khoăn, liệu tình trạng tiêu cực có thực sự giảm, trách nhiệm của cơ sở đào tạo có được nâng cao?
Cụ thể, Thông tư 16/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2022 của Bộ GDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo đó, các điều chỉnh, bổ sung đều tập trung vào đào tạo sau ĐH. Trong đó, với quy định giảng viên trong điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, bên cạnh yêu cầu có ít nhất 1 hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, Thông tư này bổ sung 2 nội dung về điều kiện giảng viên. Với giảng viên trình độ thạc sĩ, trong 5 năm gần nhất, số giảng viên của ngành đào tạo phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo…
Thời gian qua, do nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án; thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học… nên chất lượng đang đi xuống. Do đó việc ra đời Thông tư 16 nói trên là một trong những động thái nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Trên thực tế, nhiều lùm xùm xung quanh đào tạo trình độ sau ĐH khiến dư luận không khỏi bất bình. Đơn cử, trước đó chỉ trong 1 năm, có tới 2 luận án “tiến sĩ cầu lông” được thực hiện ở những cơ sở đào tạo, xuất hiện chỉ cách nhau vài tháng, gây tranh cãi trên các diễn đàn. Các chuyên gia cho rằng những luận án “cầu lông” nói trên không có ý nghĩa khoa học, không thấy tính cấp thiết của đề tài. Thậm chí, những "biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cầu lông" vốn có thể tìm ra mà không cần tới việc nghiên cứu trong vài năm. Trách nhiệm của nghiên cứu sinh là một phần, nhưng vấn đề cốt lõi của những luận văn không có tính khoa học là cần sớm chấn chỉnh cơ sở đào tạo với những luận văn vô bổ.
Mới đây nhất, vụ bằng tiến sĩ "siêu tốc" của ông Vương Tấn Việt ở Trường ĐH Luật Hà Nội, hay bằng tiến sĩ "đạo văn" ở Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) gây thêm bức xúc trong dư luận.
Nâng chuẩn đào tạo sau ĐH là cần thiết để đảm bảo công bằng, nghiêm túc cho các vấn đề nghiên cứu khoa học. Nhưng thực tế cũng chỉ ra, những người chịu trách nhiệm hướng dẫn và phản biện luận án tiến sĩ gây bất bình dư luận thời gian qua đều là những người có học hàm, học vị. Không ít các luận án sau khi bảo vệ xong chỉ bỏ vào ngăn kéo vì chẳng đóng góp gì cho khoa học hoặc phục vụ cho xã hội. Điều này cho thấy sự liêm chính khoa học, bản lĩnh, đạo đức của người hướng dẫn, phản biện mới thực sự quan trọng. Nếu còn tình trạng tiêu cực mà bỏ qua chất lượng thì quy định về điều kiện giảng viên như nói trên cũng chỉ là hình thức, máy móc.
Hơn thế, dư luận cũng cho rằng lâu nay việc sử dụng bằng cấp giả chỉ bị phanh phui trên các diễn đàn, chứ không phải do chính cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục xác minh. Điều này cho thấy việc quản lý, đào tạo cấp bằng đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH của một số cơ sở giáo dục cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Một băn khoăn nữa cũng không hề nhỏ, ngoài những trường hợp tiến sĩ “rởm” bị phanh phui, còn có bao nhiêu trường hợp tương tự nữa đang tồn tại? Những tiến sĩ rởm ấy đang ở đâu? Họ đã và đang làm gì, có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước hay sự phát triển của cộng đồng xã hội hay không? Đây là vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc để lấy lại công bằng, liêm chính khoa học.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lap-lo-hong-dao-tao-sau-dai-hoc-10296425.html