Lấy ngắn nuôi dài, cải thiện thu nhập

Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có 11/20 ấp thuộc lâm phần rừng tràm. Ðể nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, người dân áp dụng nuôi trồng một số vật nuôi, cây trồng ngắn ngày, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Cựu chiến binh Trần Minh Ðức, Ấp 13, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, lúc đầu kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, mặc dù chăm chỉ lao động nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Với ý chí, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, trên diện tích 6 ha đất rừng nhận khoán, ông quyết tâm trồng tràm, keo lai, 2 loại cây này có tuổi từ 4-5 năm. Xác định mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”, ngoài trồng chuối, trồng tre lấy măng, các loại rau màu, ông còn chăn nuôi heo, gà. Hiện tại, với mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Ðức có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên khá giả.

Măng mạnh tông dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên lâm phần.

Măng mạnh tông dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên lâm phần.

Theo ông Ðức, chuối xiêm rất dễ trồng, cho thu hoạch quanh năm, sau khi trồng 8 tháng có thể cho trái, nếu trồng đúng kỹ thuật, bờ liếp cao ráo, giống tốt sẽ cho trái sai, bình quân sản lượng từ 10-12 nải/buồng, giá chuối hiện nay dao động từ 7-8 ngàn đồng/kg. Trung bình 3 công chuối mỗi tháng gia đình ông thu trên 2 triệu đồng, có thêm khoản tiền để chi tiêu. Ðể chăn nuôi thuận lợi, gia đình xây dựng chuồng trại kiên cố, chia thành các khu vực nuôi heo nái sinh sản và heo thịt, việc phân khu đảm bảo việc cho ăn và giữ vệ sinh. Trong quá trình chăn nuôi, ông luôn chú trọng tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh, khử trùng, vệ sinh chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ nên đàn heo phát triển tốt.

Với mô hình kinh tế tổng hợp: chăn nuôi heo, gà và trồng chuối, rau màu, trồng tre lấy măng... gia đình ông Trần Minh Ðức có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên khá giả.

Với mô hình kinh tế tổng hợp: chăn nuôi heo, gà và trồng chuối, rau màu, trồng tre lấy măng... gia đình ông Trần Minh Ðức có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên khá giả.

Ông Nguyễn Hoàng Cầu, Ấp 11, cũng nhận khoán 7 ha đất rừng. Ðể không phụ thuộc hoàn toàn vào cây tràm và keo lai, trên diện tích 1 ha, ông lên liếp trồng tre lấy măng, trồng chuối, kết hợp dưới ao nuôi cá nước ngọt, xoay vòng nhiều đợt trong năm, thu lợi nhuận 60 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Cầu cho biết: “Hiện tại, vườn nhà có hơn 100 bụi tre. Trồng tre lấy măng rất nhàn, ít tốn công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần lấy đất đắp lên gốc tre 1 lần, vào mùa nắng cần tưới đủ nước, bón phân, cắt tỉa nhánh, tạo thông thoáng cho măng mọc. Mùa thu hoạch măng kéo dài từ tháng 4-9 (âm lịch), với giá bán cho thương lái tại vườn 15-20 ngàn đồng/kg, mỗi mùa thu nhập khoảng 35 triệu đồng từ măng tre”.

Ông Võ Văn Liêu, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, thông tin: “Người dân trong lâm phần, kinh tế chủ lực là trồng rừng, bên cạnh đó còn kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. Cơ bản đã có một số mô hình đem lại thu nhập khá cho người dân như trồng chuối, cho thu hoạch quanh năm, thị trường dễ tiêu thụ. Hiện tại, đối với một số mô hình như chăn nuôi heo, gà, vịt, trồng lúa năng suất cao trên các ấp lâm phần, Ðảng ủy, UBND xã cũng đã lồng ghép cùng với nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, mở nhiều đợt tập huấn hướng dẫn để triển khai cho bà con thực hiện, tạo sinh kế bền vững, định cư ổn định cho người dân dưới tán rừng, góp phần cho mục tiêu giảm nghèo trên các ấp lâm phần”./.

Tiểu Ái

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/lay-ngan-nuoi-dai-cai-thien-thu-nhap-a35688.html