Lên non gieo chữ, cha đi trước, con nối bước theo sau

Tình nguyện lên vùng cao gieo chữ, 2 cha con thầy Nguyễn Thanh Tuấn và cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ mang theo trái tim nhiệt huyết của người giáo viên, với mong ước con chữ được nảy mầm nơi vùng đất khó.

Hai cha con cùng “cắm bản”

Miền núi những ngày này nhiệt độ xuống thấp, trời u ám và lắc rắc mưa phùn. Buổi sáng, sương mù vấn vít sườn đồi, lơ lửng trên khắp các con đường mòn dẫn về bản làng.

"Giường" của thầy Nguyễn Thanh Tuấn là những chiếc bàn học ghép lại.

"Giường" của thầy Nguyễn Thanh Tuấn là những chiếc bàn học ghép lại.

Trời lạnh khiến căn bệnh khớp và gout đã đeo bám cả chục năm "hành" thầy Nguyễn Thanh Tuấn (48 tuổi, ngụ xã Trà Bình, huyện Trà Bồng) nhiều hơn. Khó nhọc dịch chuyển trong buổi sáng sớm, thầy Nguyễn Thanh Tuấn dọn dẹp chỗ nằm là những chiếc bàn ghế học sinh được kê gần nhau để tạo thành “giường”.

Ở căn phòng nhỏ kế bên, con gái thầy Nguyễn Thanh Tuấn là cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ (27 tuổi) cũng đã thức dậy. 2 cha con tự nấu nướng, ăn qua loa bữa sáng từ những thực phẩm được mang lên từ đầu tuần, trữ sẵn đến cuối tuần rồi chuẩn bị đón các em học sinh đến trường.

Vì ở nơi xa xôi, thực phẩm được mang lên trữ sẵn cho cả tuần.

Vì ở nơi xa xôi, thực phẩm được mang lên trữ sẵn cho cả tuần.

Điểm lẻ thôn Nước Nia (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) cách điểm trường chính gần 60km, là nơi cha con thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ đang giảng dạy. Điểm trường này có 2 phòng học với 30 học sinh học ghép từ lớp 1 đến lớp 4, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số.

"Cơ sở vật chất và giáo viên không đủ để bố trí 4 lớp nên phải học ghép, 1 lớp cho học sinh lớp 1 - lớp 2, lớp còn lại là cho học sinh lớp 3 - lớp 4", thầy Tuấn nói.

Thầy Tuấn có gần 30 năm dạy học ở vùng cao.

Thầy Tuấn có gần 30 năm dạy học ở vùng cao.

Hơn 25 năm "cắm bản" nơi vùng cao, thầy Nguyễn Thanh Tuấn đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây. Từ trách nhiệm đến yêu thương và gắn bó là cả hành trình dài, khó đong đếm được hết sự khó khăn, thiệt thòi nếu so sánh với những vùng khác.

“Lúc mới ra trường tôi bắt đầu công tác ở xã Trà Tân, đến năm 2010 luân chuyển theo đề án của huyện qua xã Trà Bùi. Những năm đó, đường về điểm lẻ thôn Tang còn chưa có đường đi. Tôi ở thôn Tang 5 năm, sau này đến thôn Quế rồi đến thôn Nước Nia", thầy Tuấn nhớ lại.

Các điểm này đều rất xa xôi, khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng thầy Tuấn vẫn tình nguyện đi, phần vì nghĩ mình là người sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi, có trách nhiệm gieo chữ những vùng khó khăn; phần vì là nam giới, thuận tiện hơn các cô giáo đang mang thai, có con nhỏ.

"Thuốc đau khớp và gout luôn để sẵn trong cặp. Vậy mà có lúc đau quá, đứng không vững, học trò xúm lên đỡ cho thầy viết bảng”, thầy Tuấn cho hay.

Ngọn lửa yêu nghề từ người cha truyền sang con gái. Nối bước thầy Tuấn, cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ sau khi ra trường cũng tình nguyện theo cha lên vùng cao dạy học. Những ngày đầu, cô Mỹ luôn có cha bên cạnh hỗ trợ, truyền kinh nghiệm để việc giảng dạy được tốt hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ là con gái của thầy Nguyễn Thanh Tuấn.

Cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ là con gái của thầy Nguyễn Thanh Tuấn.

Học sinh miền núi, nhất là lớp 1 và 2, việc tiếp cận kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn khá bỡ ngỡ. Cô Mỹ phải nỗ lực nhiều, học thêm ngôn ngữ địa phương và tự tìm tòi cách dạy để các em dễ dàng tiếp cận kiến thức.

“Ở trên này, cha mẹ ít quan tâm đến việc học của con, hoàn toàn phó thác cho thầy cô. Mấy em lớp nhỏ, cứ nghỉ học vài ngày rồi đến lớp là quên sạch chữ. Trước khi vào bài mới phải ôn cho các em nhớ lại kiến thức cũ. Điều kiện sống thiếu thốn, vất vả, nhưng thấy sự nhiệt huyết từ ba nên tôi cũng cố gắng để dạy các em tốt hơn”, cô Mỹ nói.

Học sinh đặc biệt của lớp học ghép

Trong số 13 học sinh của lớp ghép 3-4 do thầy Nguyễn Thanh Tuấn phụ trách có 2 trường hợp khuyết tật trí tuệ và khuyết tật câm điếc. Dìu dắt các em từ những ngày đầu đến lớp, thầy Tuấn hiểu rõ hơn hết hoàn cảnh, tình trạng của từng em.

Hai cha con hỗ trợ nhau giảng dạy cho học sinh.

Hai cha con hỗ trợ nhau giảng dạy cho học sinh.

“Dạy học các em này đòi hỏi có trường lớp và giáo viên được tào tạo chuyên môn, không phải ai cũng dạy được. Nhưng với điều kiện xa xôi thế này, các em đến được trường đã là mừng. Không đành lòng để các em mù chữ, tôi và con gái tự kiếm các tài liệu về đọc, nghiên cứu, tìm cách giao tiếp rồi dạy. Dĩ nhiên các em không thể bằng những bạn đồng trang lứa, nhưng phải chấp nhận và kiên nhẫn từng chút một để dạy”, thầy Tuấn chia sẻ.

Ngoài lớp học, chị Hồ Thị Phượng (40 tuổi), mẹ của em học sinh khuyết tật câm điếc thập thò đứng đợi con, xúc động khi thấy con mình nắn nót từng chữ trên bảng đen. Nhà cách trường mấy quả đồi, ngày nào chị Phượng cũng tốn mất mấy giờ đồng hồ để cõng con đi- về.

Chị Hồ Thị Phượng cõng con đến lớp.

Chị Hồ Thị Phượng cõng con đến lớp.

“Nhà không có xe, ở xa nữa nên ngày nào cũng đi bộ rất lâu. Mừng là con về nhà biết chào ba mẹ, biết viết tên. Đó là điều ngoài trước kia không dám nghĩ đến. Thấy con tiến bộ, tôi rất cảm ơn thầy cô. Cháu thích đi học lắm, ngày nào cũng đòi mẹ đưa đi”, chị Phượng rưng rưng.

Địa hình miền núi hiểm trở, nhất là mùa mưa. Điểm trường lẻ lại nằm khá xa nên có khi 2 cha con phải ở lại trường cả tháng. Dù nhiều vất vả khi cắm bản vùng cao, nhưng niềm vui đọng lại của người giáo viên là kết quả học tập của các em. Sự tiến bộ từng ngày là món quà và động lực để thầy Nguyễn Thanh Tuấn và con gái, cô Nguyễn Thị Ý Mỹ tiếp tục sự nghiệp của mình.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và các em học sinh thôn Nước Nia.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và các em học sinh thôn Nước Nia.

Hành trình "gieo" con chữ vẫn còn lắm gian nan, nhưng với tấm lòng và trách nhiệm của người giáo viên, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ vẫn bám lớp, bám trường, đưa con chữ nảy mầm nơi vùng đất khó.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/len-non-gieo-chu-cha-di-truoc-con-noi-buoc-theo-sau.html