Liên hoan phim và sự sôi động của điện ảnh
Không khí điện ảnh Việt Nam năm 2024 có phần sôi động hơn rất nhiều khi có thêm nhiều liên hoan phim (LHP); chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài… Đây chính là cơ hội để các đạo diễn, diễn viên, nhà làm phim trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về các tác phẩm điện ảnh. Song số lượng tăng luôn đi kèm nỗi lo về chất lượng.
Cơ hội học hỏi và sáng tạo
LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) vừa kết thúc cách đây ít ngày. Đây là sự kiện được giới chuyên gia nhận định có nhiều đổi mới so với các lần trước, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, hướng đến nhà làm phim trẻ. Sự kiện lần này đã kể một câu chuyện điện ảnh sinh động, hấp dẫn, giàu tính lan tỏa trong lòng công chúng và người yêu điện ảnh.
Trước đó, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức LHP ngắn Hà Nội lần thứ nhất năm 2024 (giải Sao Khuê). Đây là cơ hội để các nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội thể hiện tài năng, trách nhiệm, cho ra đời những tác phẩm điện ảnh bám sát hơi thở cuộc sống, quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Tháng 4 vừa qua cũng diễn ra LHP quốc tế TPHCM lần thứ 1, mở ra cơ hội để các đạo diễn, diễn viên được gặp gỡ và tiếp cận trao đổi trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu từ Hollywood (Mỹ), châu Âu, cũng như các nước phát triển tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… Các công ty/tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của thành phố cũng có cơ hội được giới thiệu năng lực, các dự án tới đối tác để tìm cơ hội hợp tác sản xuất cũng như xuất khẩu phim ra các thị trường mới.
Từ năm 2023, Việt Nam có thêm 2 LHP quốc tế gồm LHP châu Á Đà Nẵng (DANAFF) và LHP quốc tế TPHCM (HIFF). Ngoài ra còn có LHP ngắn Hà Nội, LHP ngắn TPHCM, LHP hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ I...
Có thể thấy, kể từ khi Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023 đã sửa đổi thêm nhiều điểm mới để điện ảnh Việt Nam phát triển trong cơ chế thị trường; sửa đổi theo hướng cho phép tất cả các tỉnh, thành phố, các tổ chức, các cơ quan đều được tổ chức LHP. Đây chính là thời điểm để bạn bè quốc tế thấy nền điện ảnh Việt đang phát triển sôi động; đồng thời là cơ hội tốt để các nhà làm phim quốc tế quan tâm tới thị trường Việt Nam, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về các tác phẩm điện ảnh.
Liên hoan phim không phải là tất cả
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, việc tổ chức các LHP quốc tế ở Việt Nam là một trong những nỗ lực rất tốt để góp phần phát triển điện ảnh Việt Nam. “Nếu được tổ chức tốt, các LHP quốc tế luôn là cơ hội lớn cho những nhà làm phim, nhà sản xuất phim trong nước kết nối, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với các đồng nghiệp nước ngoài. Kể cả các nhà quản lý văn hóa khi tham dự LHP quốc tế cũng sẽ tìm ra những bài học kinh nghiệm để có thể thay đổi, phát triển cách nhìn, định hướng phát triển điện ảnh trong nước phù hợp hơn với xu thế phát triển điện ảnh chung trên thế giới” - đạo diễn Bùi Trung Hải chia sẻ.
Song, với việc số lượng tăng luôn đi kèm nỗi lo về chất lượng. Một số ý kiến cho rằng, với các LHP quy mô quốc gia hay mở rộng thêm một số nước trong khu vực, bao nhiêu LHP không quan trọng bằng việc phối hợp các đơn vị tổ chức như thế nào để hiệu quả, chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang lại lợi ích cho ngành điện ảnh và cộng đồng.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải phân tích, để có một LHP quốc tế uy tín tầm cỡ thế giới là một điều không đơn giản. Việc duy trì độ ổn định của LHP, với “gu” thẩm mỹ tinh tế, có sự tiếp nối cùng với chất lượng cao của những phim được chọn, những giải thưởng xứng đáng, minh bạch… sẽ là điều kiện để LHP phát triển lâu dài.
“Nếu không đảm bảo được những điều đó, LHP có thể sẽ sớm lụi tàn chỉ sau vài đợt tổ chức, trên thế giới cũng không thiếu những trường hợp như vậy. Mặt khác, việc thu hút khán giả đến xem phim, việc quảng bá LHP như một sự kiện văn hóa cũng là những yếu tố rất quan trọng trong tổ chức LHP” -NSƯT Bùi Trung Hải chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, công tác thẩm định của Ban giám khảo - những người được ban tổ chức LHP “chọn mặt gửi vàng” mời làm công tác thẩm định giúp Ban tổ chức có quyết định chính xác để trao giải thưởng cho một tác phẩm nào đó rất quan trọng. Chất lượng giám khảo phụ thuộc vào trình độ, uy tín, năng lực thẩm định tác phẩm và cả sự khách quan, công tâm.
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp văn hóa trong điện ảnh một cách mạnh mẽ thì việc tổ chức các LHP quốc tế ở Việt Nam chỉ đóng một vai trò nhất định.
Theo ông Tân, để điện ảnh Việt Nam hình thành thị trường sôi động thì cần thu hút nhà đầu tư. Phim làm ra phải thu hút được khán giả đến xem để thu hồi được vốn tái sản xuất. Phim ảnh ngoài nội dung nghệ thuật đơn thuần thì còn là một sản phẩm hàng hóa có thể trao đổi ngoài thị trường, thậm chí sinh lời tốt. Các nhà làm phim ngoài thực hiện được nhiệm vụ truyền tải được những nội dung hướng con người đến những giá trị tốt đẹp thì cũng phải làm sao để bộ phim hấp dẫn, thu hút công chúng đến rạp.
Theo ông Antonio Termenini - Giám đốc LHP châu Á tại Rome, trong 10 năm gần đây, nhiều bộ phim Việt Nam có chất lượng tốt, nội dung hấp dẫn. Việc tổ chức các LHP quốc tế sẽ giúp các nhà làm phim Việt Nam phát triển hơn nữa. Sự ra đời của LHP quốc tế TPHCM hay LHP châu Á tại Đà Nẵng chính là những sân chơi rất bổ ích.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lien-hoan-phim-va-su-soi-dong-cua-dien-anh-10295517.html