Liên Hợp Quốc báo động làn sóng bạo lực gia tăng mạnh trở lại ở Sudan

Liên Hợp Quốc vừa báo động tình trạng bạo lực gia tăng trở lại tại Sudan khi đã có gần 180 người thiệt mạng chỉ trong 2 ngày giao tranh giữa quân đội nước này và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự. Xung đột có nguy cơ kéo theo những hậu quả thảm khốc cũng như làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tồi tệ giữa lúc hàng nghìn người đang phải đi lánh nạn mỗi ngày.

Liên Hợp Quốc hôm qua cảnh báo có khoảng 10.000 người Sudan phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày để sang Nam Sudan lánh nạn do giao tranh. Tác động của xung đột được nhìn thấy rõ nhất đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương khi hầu hết những người tìm nơi trú ẩn là phụ nữ và trẻ em. Hơn 20.000 người Sudan từ các làng biên giới đã vượt biên vào Nam Sudan trong tuần trước, tăng gấp 3 lần số lượng bình quân người đến hàng ngày so với các tuần trước đó. Khu vực Omdurman của thủ đô Khartoum trong vài ngày qua liên tiếp hứng chịu đạn pháo được bắn vào từ nhiều hướng. Hiện quân đội Sudan vẫn đang kiểm soát nhiều khu vực ở Khartoum cũng như các khu vực phía Đông và phía Bắc nước này.

Cuộc chiến kéo dài 20 tháng qua giữa quân đội chính phủ Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) có dấu hiệu ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi các nỗ lực ngừng bắn bị đình trệ, cộng thêm việc bị lu mờ bởi các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác trên thế giới.

Người Sudan chạy trốn qua biên giới Adre – biên giới giữa Sudan và Chad. Ảnh: Reuters.

Người Sudan chạy trốn qua biên giới Adre – biên giới giữa Sudan và Chad. Ảnh: Reuters.

Giới chức trách thành phố Khartoum, ông Ahmed Osman Hamza vừa một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của việc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia Đông Bắc Phi này: "Chúng tôi đã khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng, mặc dù bị Hội đồng Bảo an lên án và được phân loại là lực lượng dân quân khủng bố, nhưng lực lượng này vẫn được một số quốc gia cung cấp vũ khí. Vì vậy, chúng tôi muốn nhắc lại rằng: Hãy ngừng can thiệp vào Sudan và ngừng hỗ trợ cho các lực lượng dân quân nổi dậy này”.

Hiện tại, việc bùng phát các cuộc đụng độ mới nhất đang cản trở đáng kể đến hoạt động phân phối hàng viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đặc biệt là ở trại tị nạn Zamzam, nơi liên tiếp hứng chịu các đợt tấn công trong những ngày gần đây. Theo WFP, khoảng 25.000 tấn thực phẩm và vật tư dinh dưỡng - đủ để nuôi sống 2 triệu người trong một tháng - đang được chuyển đến một số điểm nóng đói kém nhất và khó tiếp cận nhất của Sudan.

Ông Alex Marianelli, đại diện WFP tại Sudan cho biết: “WFP đang tăng cường hỗ trợ lương thực cho các khu vực có nguy cơ xảy ra nạn đói. Điều chúng tôi cần là mở rộng và duy trì khả năng kết nối để chúng tôi có thể tiếp cận tất cả những người dân Sudan đang phải đối mặt với nạn đói”.

Trên toàn đất nước Sudan, ước tính gần 1,7 triệu người phải đối mặt hoặc có nguy cơ bị đói. Gần 26 triệu người nói chung đang trong tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính. Gần 4,7 triệu trẻ em và phụ nữ mang thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Để ngăn chặn hậu quả tàn khốc do ảnh hưởng từ các cuộc giao tranh, Liên đoàn Arập (AL) đầu tuần này cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan, nhấn mạnh nhu cầu tái thiết của nước này cũng như sự trở về an toàn của những người dân phải di dời. Tổng thư ký Liên đoàn Arập Ahmed Aboul Gheit vừa tái khẳng định thiện chí của khối này trong việc hợp tác với Liên minh châu Phi (AU) và cộng đồng quốc tế để khôi phục hòa bình và ổn định ở Sudan.

Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 10/12 cũng đã ban hành một báo cáo nêu chi tiết các cáo buộc về các vụ vi phạm nhân quyền tràn lan do Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) gây ra tại tiểu bang Nam Kordofan của Sudan. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn cầu đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao và nhân đạo, tổ chức này còn kêu gọi chính phủ chuyển tiếp của Sudan và các bên liên quan quốc tế tăng cường các cơ chế giải trình, bao gồm các cuộc điều tra độc lập và truy tố những người chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng.

Trong những tháng gần đây, Sudan đã chịu sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế, không chỉ xảy ra ở Cordoba mà còn ở Darfur. Ngoài ra, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) gần đây cũng cực lực lên án việc người dân thường vô tội tại Sudan trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ”, bị nhắm mục tiêu bởi các bên xung đột.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/lien-hop-quoc-bao-dong-lan-song-bao-luc-gia-tang-manh-tro-lai-o-sudan-post1141384.vov