Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng đất đai khô hạn đang tăng mạnh
Theo báo cáo từ nghiên cứu của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, hiện tình trạng khô hạn, thiếu nước kinh niên đã lan rộng trên 40,6% diện tích đất của Trái Đất, không bao gồm Nam Cực.
Báo cáo từ nghiên cứu của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), công bố ngày 9/12 cho thấy hơn 75% diện tích đất trên thế giới đã "khô hạn thường xuyên hơn" trong thời gian từ năm 1990-2020 so với giai đoạn 30 năm trước đó.
Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (COP16) đang diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Theo nghiên cứu, đất khô cằn (những khu vực khó khai thác nông nghiệp) đã tăng 4,3 triêụkm2 từ năm 1990-2020.
Báo cáo đã chỉ ra một "mối đe dọa hiện hữu" từ các xu hướng dường như không thể đảo ngược.
Hiện tình trạng khô hạn, thiếu nước kinh niên đã lan rộng trên 40,6% diện tích đất của Trái Đất, không bao gồm Nam Cực. Cách đây 30 năm, con số này là 37,5%.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm các quốc gia giáp Địa Trung Hải, Nam Phi, Nam Australia và một số khu vực nhất định của châu Á và châu Mỹ Latinh.
Hiện có 2,3 tỷ người sống ở các vùng khô hạn và dự báo kịch bản xấu nhất là 5 tỷ người sẽ phải sống trong điều kiện này vào năm 2100 nếu Trái Đất tiếp tục ấm lên.
Tổng thư ký UNCCD, ông Ibrahim Thiaw cho biết: "Không giống như hạn hán (tức là thời kỳ lượng mưa thấp tạm thời), tình trạng khô hạn đại diện cho sự biến đổi vĩnh viễn, không ngừng."
Ông nói thêm: "Khí hậu khô hạn đang ảnh hưởng đến các vùng đất rộng lớn trên toàn cầu và sự thay đổi này đang định nghĩa lại sự sống trên Trái Đất."
Báo cáo khẳng định những thay đổi này phần lớn là do sự nóng lên toàn cầu từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ra, làm thay đổi lượng mưa và tăng lượng nước bốc hơi.
Nhận định về báo cáo trên, trưởng nhóm nhà khoa học của UNCCD, ông Barron Orr nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên một cơ quan khoa học của Liên hợp quốc cảnh báo rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang gây ra tình trạng khô hạn vĩnh viễn trên khắp thế giới."
Ông nói thêm rằng điều này có thể gây ra "những tác động thảm khốc tiềm tàng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn nước, có thể đẩy con người và thiên nhiên đến gần hơn với các điểm tới hạn nguy hiểm."
Theo các nhà khoa học, hậu quả của tình trạng thiếu nước kéo dài gồm suy thoái đất, sụp đổ hệ sinh thái, mất an ninh lương thực và di cư cưỡng bức.
Để chống lại xu hướng này, các nhà khoa học kêu gọi các thành viên UNCCD cải thiện quản lý đất và nước, và xây dựng khả năng phục hồi ở các cộng đồng dễ bị tổn thương./.