Linh động tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có lực lượng lao động chiếm số đông trong quy mô dân số. Vì vậy, mỗi dịp diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (Ngày hội), thay vì diễn ra vào giờ hành chính, hoạt động này được tổ chức vào thời điểm phù hợp với phương châm thu hút được số đông người dân tham gia.

Người dân ấp 3, xã Suối Nho (huyện Định Quán) chơi trò lựa đậu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh:S.Thao

Người dân ấp 3, xã Suối Nho (huyện Định Quán) chơi trò lựa đậu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh:S.Thao

Điều này thể hiện sự linh động của Mặt trận cơ sở trong đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tổ chức Ngày hội vào cuối tuần và ban đêm

Năm 2024, toàn tỉnh có 927 ấp, khu phố tổ chức Ngày hội. Trong số này có 700 ấp, khu phố tổ chức Ngày hội vào ban đêm và ngày cuối tuần.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Biên Hòa Nho Văn Lịch, thành phố có 200 ấp, khu phố thuộc 25 xã, phường tổ chức Ngày hội năm 2024. Trong số này có 96 ấp, khu phố chọn tổ chức vào lúc 19h; 104 ấp, khu phố chọn tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật; chỉ một số khu phố tổ chức vào ngày làm việc hành chính trong tuần.

Đến ngày 8-11, toàn tỉnh đã có 290/927 ấp, khu phố hoàn thành việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024. Các ấp, khu phố còn lại sẽ hoàn thành việc tổ chức sự kiện này chậm nhất trong ngày 18-11.

Năm nay, người dân khu phố 5, phường Tân Tiến (nay là phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) tham gia Ngày hội vào dịp cuối tuần.

Theo Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 5 Trần Văn Tiến, khu phố có nhiều khu vực buôn bán tấp nập dọc theo các tuyến đường. Người dân trong độ tuổi lao động, học tập chiếm số lượng lớn. Xuất phát từ mong muốn của gần 800 hộ dân trong khu phố, Ban điều hành khu phố đã thống nhất tổ chức Ngày hội vào ngày cuối tuần. Năm nay, khu phố được lãnh đạo tỉnh, thành phố đến dự Ngày hội; nhiều cá nhân, tập thể của khu phố được nhận quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Bên cạnh đó, tháng 11 là thời điểm các tôn giáo tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo. Do đó, ở những ấp, khu phố có đông đồng bào theo đạo sinh sống, ban tổ chức cũng linh động chuyển đổi thời gian tổ chức Ngày hội vào cuối tháng 10 để tránh trùng với ngày lễ trọng của các tôn giáo. Cụ thể, 40/200 ấp, khu phố của thành phố Biên Hòa; 13/63 ấp, khu phố của huyện Vĩnh Cửu; 5/52 ấp, khu phố của huyện Nhơn Trạch; 3 khu phố, ấp của thành phố Long Khánh… tổ chức Ngày hội trong tháng 10.

Gắn kết người dân thông qua Ngày hội

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, Ngày hội là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; tiếp tục củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư; tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua Ngày hội vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ và sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 3, xã Phú Điền (huyện Tân Phú) Đặng Thị Minh Hương cho hay, ấp có 440 hộ với trên 1,6 ngàn người. Trong số này còn 8 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo và nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp tổ chức Ngày hội, từ Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, người dân đã đóng góp trên 5 triệu đồng để tặng quà hỗ trợ các hộ gia đình tại Ngày hội.

Tương tự, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố Núi Đỏ, phường Bàu Sen (thành phố Long Khánh) cho biết, năm 2024, khu phố còn 9 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Thực hiện Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, với phương châm “lá lành đùm lá rách”, qua vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo với tổng số tiền 10 triệu đồng để trao quà cho hộ nghèo, cận nghèo.

Đặc biệt, Ngày hội là nơi người dân bày tỏ ý kiến về kết quả một năm triển khai các nhiệm vụ ở khu dân cư cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh thông báo những kết quả đạt được của ấp trong năm qua, tuyên dương các gia đình, cá nhân, đơn vị đóng góp tích cực cho cộng đồng, Ngày hội cũng là dịp để những người làm công tác Mặt trận, lãnh đạo địa phương lắng nghe người dân nêu lên những vấn đề còn tồn tại để kịp thời chấn chỉnh.

Ông Phạm Anh Tuấn (ngụ ấp 3, xã Suối Nho, huyện Định Quán) cho biết, ấp có 813 hộ với trên 3,5 ngàn người, gần 50% dân số là đồng bào có đạo. Ấp còn 1 hộ nghèo A, 2 hộ nghèo B, 1 hộ cận nghèo. Năm 2024, ấp phát động phân loại rác tại nguồn, vận động mỗi gia đình cử thành viên tham gia các đợt ra quân bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một số gia đình chưa tích cực tham gia các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường hay trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa xử lý bao bì, chai lọ theo hướng dẫn nên gây ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí. Do vậy, ông Tuấn mong chính quyền địa phương, Ban điều hành ấp tích cực vận động bà con tham gia các phong trào được địa phương phát động. Riêng gia đình nào chưa tích cực trong năm qua thì cần chủ động điều chỉnh hành vi để cùng làm đẹp khu dân cư.

Ngoài ra, một hoạt động không thể thiếu của Ngày hội đó là tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư… Với 23 ấp, khu phố tiêu biểu được chọn để các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Ngày hội, mỗi ấp/khu phố được tặng quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trị giá 10 triệu đồng, 10 cá nhân, gia đình, tập thể tiêu biểu của khu dân cư được nhận quà trị giá 1 triệu đồng. Đồng thời, ban điều hành ấp, MTTQ Việt Nam xã, chính quyền địa phương cũng tuyên dương những nhân tố tích cực tại Ngày hội.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/linh-dong-to-chuc-ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-23912c3/