Linh hoạt gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản; phân khai chi tiết nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ các xã; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành được phân công phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023, ngay từ đầu năm, xã Duy Phiên (Tam Dương) đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm cụ thể; gắn trách nhiệm người đứng đầu với các chỉ tiêu, tiêu chí; mọi việc làm đều tổ chức đối thoại, công khai, dân chủ để dân bàn bạc cùng chung tay với chính quyền xây dựng các tiêu chí nâng cao lần lượt đạt chuẩn một cách bền vững.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp cùng các thôn tiến hành rà soát, thống kê các tuyến đường có khả năng mở rộng; tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng thôn, từng ngõ, xóm, hộ gia đình, cá nhân tự đóng góp để lắp đặt điện chiếu sáng trên các tuyến đường ngõ, xóm; triển khai xây dựng 12 tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đến tháng 6/2023, xã đã đạt 15/19 tiêu chí xã NTM nâng cao.

Ông Đinh Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phiên cho biết: Đối với 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất và chất lượng môi trường sống, xã đang rà soát các vị trí để lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc giao thông; triển khai 13 tuyến đường giao thông nông thôn; lập dự án triển khai cứng hóa đường trục chính nội đồng; lựa chọn trứng gà là sản phẩm xây dựng OCOP.

Hệ thống kênh mương nội đồng xã Duy Phiên (Tam Dương) được kiên cố hóa theo chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Thế Hùng

Hệ thống kênh mương nội đồng xã Duy Phiên (Tam Dương) được kiên cố hóa theo chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Thế Hùng

Đối với chỉ tiêu 18.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung được xác định khó khăn nhất, Công ty cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đã về làm việc với địa phương và đồng ý thống nhất phương án triển khai lắp đặt hệ thống nước sạch đến các hộ dân trên địa xã, dự kiến trong tháng 8/2023, công ty sẽ triển khai lắp đặt…, xã quyết tâm về đích NTM nâng cao cuối năm 2023.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao năm 2023, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương; Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức nhiều cuộc họp để nắm tiến độ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Các sở, ngành phụ trách tiêu chí NTM tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Ban Thanh tra Nhân dân đã phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát tại cơ sở; Ban Giám sát cộng đồng thường xuyên theo dõi, kiểm tra triển khai các dự án đầu tư, góp phần quan trọng trong việc thực thi dân chủ của người dân tham gia xây dựng NTM và đảm bảo thực hiện nghiêm các cơ chế, quy định về quản lý đầu tư của Nhà nước.

Cùng với đó, trong tháng 5/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1075 về phân khai chi tiết nguồn vốn đầu tư công năm 2023, trong đó phân bổ gần 720 tỷ đồng để hỗ trợ 21 xã thực hiện mục tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu theo Kế hoạch xây dựng NTM nâng cao năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, qua rà soát đối với các xã đăng ký đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023, đến tháng 6 đã có 2 xã Thượng Trưng, Tuân Chính (Vĩnh Tường) đạt từ 6 -7 tiêu chí; 9 xã gồm Yên Phương, Hồng Phương, Trung Hà (Yên Lạc), Yên Lập, Việt Xuân (Vĩnh Tường), Nhạo Sơn (Sông Lô), Sơn Đông (Lập Thạch), Đạo Tú (Tam Dương), Quất Lưu (Bình Xuyên) đạt từ 11-13 tiêu chí; xã Duy Phiên (Tam Dương) đạt 15/19 tiêu chí và xã Thanh Vân (Tam Dương) đạt 16/19 tiêu chí.

Riêng xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) đang đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022.

Tuy nhiên, việc xây dựng, đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về nguyên tắc, định mức, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách tỉnh thực hiện các Chương trình MTQG còn chậm so với yêu cầu (tháng 5/2023 mới được ban hành) dẫn đến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các xã để thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022 - 2023 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của địa phương.

Mặt khác, nguồn lực đối ứng của các địa phương để triển khai các mục tiêu thực hiện Chương trình hạn chế, gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng trung du, miền núi các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (quy định xã NTM đạt hơn 40%, huyện NTM đạt hơn 43%, xã NTM nâng cao đạt hơn 65%).

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các xã đăng ký về đích NTM nâng cao trong năm 2023, các sở, ngành đang khẩn trương hoàn thiện, trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy định về quản lý, triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Linh hoạt triển khai các dự án cấp nước sạch tập trung làm cơ sở hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 - 2023 chưa đạt chuẩn theo quy định.

Các sở, ngành được phân công phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu NTM tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn lực tập trung thực hiện đối với các chỉ tiêu, tiêu chí NTM chưa đạt chuẩn theo quy định và khó thực hiện như môi trường, nước sạch tập trung, thu nhập, tổ chức sản xuất; chỉ đạo các xã vận động các hộ dân đấu nối, sử dụng nước sạch tại các địa phương đã có công trình nước sạch tập trung; ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ với các công ty cung cấp nước trên địa bàn.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96445//linh-hoat-go-kho-day-nhanh-tien-do-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao