Linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cần tăng cường phối hợp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nhanh nhất, hiệu quả nhất; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạm thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương khi chưa có hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm phù hợp thực tiễn, linh hoạt tháo gỡ khó khăn trên cơ sở quy định pháp luật. Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu kết luận phiên giải trình. Ảnh: Huy Hoàng

Đó là nhấn mạnh của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Tiến độ thực hiện các công trình, dự án rất chậm

Theo báo cáo của Đoàn khảo sát Thường trực HĐND tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn thực hiện 4.423.492 triệu đồng, kế hoạch vốn năm 2022, 2023, đã được phân bổ 1.501.251 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 503.457 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã phân bổ là 272.822,0 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản thực hiện chương trình có nội dung chưa kịp thời; hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Giám sát, bộ máy giúp việc hiệu quả chưa cao; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình chưa chặt chẽ; công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả chưa cao; cơ chế huy động, phân bổ, lồng ghép và giao kế hoạch vốn để thực hiện chương trình chưa bảo đảm quy định; đặc biệt việc tổ chức triển khai thực hiện các công trình, dự án rất chậm so với yêu cầu. Đến ngày 30.5, tỷ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 8,1%; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 2,4%.

Tại phiên giải trình, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, đã có 9 đại biểu HĐND tỉnh nêu yêu cầu giải trình, 5 lượt đại biểu tranh luận, tập trung vào việc tham mưu bố trí vốn đối ứng của tỉnh; ban hành quy định quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn; giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, chi trả dịch vụ môi trường rừng; triển khai các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thực hiện bảo đảm hiệu quả từng nội dung, dự án, chương trình.

Lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã nghiêm túc giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu rõ những hạn chế, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đại biểu HĐND tỉnh nêu; chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hạn chế cũng như đưa ra các giải pháp của UBND tỉnh nhằm khắc phục, thực hiện hiệu quả các chương trình. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có giải pháp cụ thể kịp thời khắc phục hạn chế, khó khăn, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích của nhân dân

Nhấn mạnh việc triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại lợi ích to lớn cho người dân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung yêu cầu: các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, nêu cao trách nhiệm để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nhanh nhất, hiệu quả nhất; tiếp tục rà soát lại các nguyên nhân, vướng mắc để đề ra những giải pháp tháo gỡ, quyết tâm thực hiện thành công, đầy đủ các dự án, các nội dung, mục tiêu kế hoạch đề ra.

Quá trình thực hiện, cần bám sát các hướng dẫn của trung ương, các bộ, ngành, của tỉnh để thực hiện cho đúng; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạm thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khi chưa có hướng dẫn của trung ương, bảo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, linh hoạt tháo gỡ khó khăn trên cơ sở quy định pháp luật; giao trách nhiệm cho từng bộ phận, đơn vị và từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.

“Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì lợi ích của nhân dân” - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh.

BẢO QUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/linh-hoat-thao-go-kho-khan-vuong-mac-i332204/