Loại gỗ nhân tạo mới chịu được bão gió cấp 13

Những vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường như cấu kiện gỗ CLT và Glulam có thể xây dựng những tòa nhà cao 10 tầng.

Tại lễ khởi động Dự án kiểm kê khí nhà kính VertZero giữa Công ty FPT IS (Tập đoàn FPT) và Tập đoàn Trần Đức, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều thông tin mới, thú vị về giải pháp chuyển đổi xanh trong sản xuất, kiến trúc và xây dựng.

Kiến trúc sư Nguyễn Huy Hiển, Giám đốc kỹ thuật - Công ty Trần Đức Homes (trực thuộc Tập đoàn Trần Đức) cho biết, hiện nay, công nghệ trong sản xuất, kiến trúc, xây dựng của Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc.

Điển hình như các vật liệu mới như: cấu kiện CLT (Cross Laminated Timber - gỗ dán chéo lớp) và cấu kiện Glulam (Glued Laminated Timber) - loại vật liệu xây dựng được sản xuất từ việc kết hợp các thanh gỗ thông nhỏ lại với nhau bằng keo ép và áp lực cao.

Vật liệu mới như cấu kiện Glulam đang dần thay thế bê tông, thân thiện môi trường. (Ảnh: Đ.V)

Vật liệu mới như cấu kiện Glulam đang dần thay thế bê tông, thân thiện môi trường. (Ảnh: Đ.V)

Theo kiến trúc sư Hiển, cấu kiện CLT là giải pháp “bê tông xanh” của tương lai, có thể thay thế sàn bê tông truyền thống, giúp giảm trọng lượng công trình và tiết kiệm thời gian thi công. Còn cấu kiện Glulam được làm từ nguồn vật liệu bền vững, đáp ứng mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thời gian lắp đặt nhanh hơn gấp 3 lần so với bê tông truyền thống. Khả năng bẻ cong của cấu kiện Glulam hơn 80% so với gỗ tự nhiên và khả năng thay đổi kích thước linh hoạt.

Ông Hiển chia sẻ, cấu kiện gỗ được sản xuất bằng công nghệ mới, hiện đại hàng đầu khu vực nên thích nghi tốt với môi trường ngoài trời như nắng, mưa, tia UV...

Cũng theo ông Hiển, những ngôi nhà lắp ghép bằng cấu kiện gỗ CLT, Glulam ở các tỉnh miền Trung đã chống chịu được những cơn bão có gió giật cấp 13.

“Vật liệu thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ tối tân nên kết cấu chịu lực rất tốt. Cấu kiện CLT có thể thay thế cho bê tông và xây được những tòa nhà cao 10 - 11 tầng. Hiện nay, công nghệ ngành gỗ không có một giới hạn nào", ông Hiển nói.

Ông Phạm Tuân, Giám đốc sản phẩm VertZero - Công ty FPT IS chia sẻ, ông có một thời gian sinh sống ở Nhật Bản và từng thấy những ngôi nhà xây dựng không cần bê tông, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, những ngôi nhà này thường chỉ cao 3 tầng. Nếu Việt Nam có thể làm những ngôi nhà cao 10 - 11 tầng, không cần bê tông, không phát thải, thân thiện môi trường thì đây là điều rất đáng tự hào.

Công ty FPT IS đã ký hợp tác với Tập đoàn Trần Đức, để đồng hành trên lộ trình chuyển đổi xanh thực hiện dự án Giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZero.

ĐẠI VIỆT

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/loai-go-nhan-tao-moi-chiu-duoc-bao-gio-cap-13-ar884084.html